A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang quý I -2018

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 đã đề ra, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp các ngành và nhân dân trong toàn tỉnh thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể phát triển kinh tế - xã hội trong quý I và đã đạt được những kết quả nhất định:

Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, trong sản xuất Nông lâm nghiệp, phát triển nông thôn, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong các cây trồng vụ Đông. Tổng diện tích gieo trồng đạt 10.710 ha, cùng với đó, nhân dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ Xuân 2018. Diện tích lúa ruộng đã cấy trên 9.000 ha, đạt 96% kế hoạch; một số huyện có điều kiện thâm canh và chủ động được nguồn nước như huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang đã cấy đạt 100% diện tích, cây lúa phát triển tốt. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, công tác tiêm phòng được chú trọng, đã cung ứng được trên 678 nghìn liều và triển khai tiêm phòng được 474,2 nghìn liều vắc xin các loại. Công tác chỉ đạo trồng rừng trong quý I được các cấp, các ngành thực hiện tốt, qua đó tiến độ trồng rừng đạt khá, tổng diện tích đăng ký trồng rừng được 341 ha, đạt 35,4% kế hoạch. Trong đó số cây được trồng tại Tết trồng cây xuân Mậu Tuất là 472 nghìn cây. 

Sản xuất công nghiệp trong quý I duy trì tốc độ tăng trưởng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,4% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 566 tỷ đồng tăng 24,2%; theo giá thực tế ước đạt 887,5 tỷ đồng, đạt 17,7% kế hoạch. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Các địa phương tổ chức 532 đợt ra quân xây dựng nông thôn mới với 34 nghìn người tham gia. Đặc biệt tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Yên Minh, Quang Bình đã tổ chức nhiều đợt ra quân làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang khuôn viên hộ gia đình. Tiếp tục thực hiện tốt nội dung nhà nước và nhân dân cùng làm, đã mở mới, nâng cấp và làm mới 112 km đường giao thông nông thôn các loại, cải tạo và nâng cấp 26 phòng học, xây mới 8 nhà văn hóa thôn. 
Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Trong quý đã thực hiện cấp mới đăng ký kinh doanh cho 42 doanh nghiệp, tương đương so với cùng kỳ nhưng quy mô doanh nghiệp tăng cao với số vốn đăng ký 321,6 tỷ đồng (tăng 76% so với cùng kỳ). Thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 04 dự án với tổng vốn 321,6 tỷ đồng. Đặc biệt, Tỉnh đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp cam kết đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư để đối thoại, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh. 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hoá qua cửa khẩu đạt 64,9 triệu USD, giảm 85,4% so với cùng kỳ, đạt 8,7% so với kế hoạch, do từ đầu năm đến nay không phát sinh mặt hàng tạm nhập tái xuất, đồng thời một số mặt hàng xuất khẩu như quả tươi các loại, mặt hàng nhập khẩu như máy móc thiết bị, linh kiện ô tô giảm sâu. 
Hoạt động du lịch được đẩy mạnh. Lượng khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 270,4 nghìn lượt người, tăng 22% so với cùng kỳ (trong đó có gần 60 nghìn lượt khách quốc tế). Chỉ tính riêng dịp Tết nguyên đán đã có khoảng 6,2 nghìn lượt khách. Doanh thu từ du lịch đạt 225,8 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
 

image 20180907153353 1
Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh phát biểu chỉ đạo tạo
Hội nghị đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp năm 2018.
 

Tình hình chính trị, văn hóa, xã hội ổn định. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm học 2017-2018 ở tất cả các bậc học, xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia. Công tác khám chữa bệnh được duy trì tốt. Ngành y tế đã thực hiện tốt quy chế thường trực cấp cứu và phục vụ người bệnh, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức khám chữa bệnh cho trên 225 nghìn lượt người; chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm, thực hiện tốt các chương trình y tế trên địa bàn tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông được kiềm chế, có những chuyển biến so với cùng kỳ năm 2017; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ đối với các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội dịp Tết nguyên đán với số tiền gần 2,2 tỷ đồng cho 8.485 đối tượng..

Về phương hướng nhiệm vụ quý II/2018 toàn tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành Kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2017-2018; triển khai có hiệu quả kế hoạch đột phá thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con gia súc và đảm bảo tỷ trọng chăn nuôi toàn tỉnh năm 2018 đạt 32%. Hoàn thiện Bộ chỉ số theo dõi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2018 tập trung triển khai các nhiệm vụ hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch. Chủ động khai thác mọi nguồn thu, tăng cường thu hồi các khoản nợ đọng thuế. Tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, không để nợ xấu phát sinh. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tập trung phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, đất sản xuất kinh doanh nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh. Duy trì chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu. Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông cho các sự kiện lớn của tỉnh...
                                            
                                                               Khánh Linh

Hội nghị giao ban các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy
 quý I- năm 2018

* Ngày 6/4, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị giao ban các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Báo Hà Giang, Trường Chính trị quý 1. Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy.
      Trong quý 1, các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, để tham mưu cho Thường trực, BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền; chủ động tham mưu đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với 8 lời Bác Hồ căn dặn khi Người về thăm tỉnh Hà Giang với nhiều sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác xây dựng Đảng có nhiều tiến bộ, nề nếp hơn; tham mưu xây dựng kế hoạch, đề án, hướng dẫn để cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và BTV Tỉnh ủy cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng. Cùng với đó là chủ động tham mưu kịp thời, kiện toàn công tác tổ chức, cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chính sách cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, nội chính, phòng chống tham nhũng được triển khai theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Công tác dân vận được thường xuyên quan tâm thực hiện.
        Tham gia vào nhiệm vụ của các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị Ban Tổ chức cần có biểu mẫu khảo sát chi tiết đảng viên ở cơ sở. Ban Tuyên giáo định hướng Báo Hà Giang, Đài PT - TH tỉnh tăng cường phối hợp với cơ quan báo chí Trung ương để tuyên truyền, quảng bá về Hà Giang nhiều hơn nữa; xây dựng chuyên mục: Điểm báo hàng tuần để gửi các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và phải là 1 kênh đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh; Báo Hà Giang phải đổi mới hình thức của báo điện tử để hấp dẫn hơn.      
 
    Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn yêu cầu các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy chú trọng cải tiến, đổi mới phương pháp công tác nhằm phát huy tốt nhất trí tuệ của tập thể, lãnh đạo cơ quan. Đối với Ban Tổ chức nghiên cứu tham mưu cho Tỉnh ủy gộp các Ban Chỉ đạo của tỉnh; rà soát, nắm chắc số lượng đảng viên đi lao động ngoài tỉnh; tập trung hoàn chỉnh 7 Đề án để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Ban Nội chính tiếp tục nắm dư luận xã hội về những vấn đề liên quan đến nội chính, phòng chống tham nhũng để kịp thời tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy giải quyết. Đồng thời xem xét tính hiệu quả của bộ phận phòng chống tham nhũng ở cơ sở bởi đây là cách làm mới của Hà Giang. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn cũng yêu cầu: Ban Tuyên giáo cần đẩy mạnh chỉ đạo định hướng tuyên truyền kế hoạch, kết quả phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy đôn đốc các sở, ngành viết bài thu hoạch học tập Nghị quyết Trung ương 6, khóa 12 của Đảng. Ban Dân vận chuẩn bị tốt các điều kiện cho đợt kiểm tra của Ban Dân vận Trung ương về thực hiện Nghị quyết 25, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11. Trong quý 2, Báo Hà Giang phải tập trung tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 7 khóa 12 của Đảng và các Đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh. Trường Chính trị đổi mới phương pháp và cập nhật kiến thức giảng dạy cho cán bộ theo hướng chuyên sâu vào từng lĩnh vực. Phải lưu ý đến việc quản lý, đảm bảo cơ sở vật chất của nhà trường phục vụ cho công tác giảng dạy. 
                                                                   
Phi Anh
 

Hội nghị  giao ban công tác Tuyên giáo quý I,

triển khai nhiệm vụ quý II-2018


Ngày 06-4-2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban công tác tuyên giáo quý I/2018 tại huyện Quản Bạ. Đồng chí Sèn Chỉn Ly, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Hoàng Đình Phới, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư huyện ủy Quản Bạ; lãnh đạo Ban, lãnh đạo các phòng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; trưởng, phó Ban Tuyên giáo/Tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh.

 

Đ/c Sèn Chỉn Ly, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đ/c
Hoàng Đình Phới, Bí thư huyện ủy Quản bạ chủ trì Hội nghị 

Trong Quý I năm 2018, Ban Tuyên giáo các cấp đã bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, của cấp ủy cấp mình để tập trung tuyên truyền, triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tích cực đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy ban hành các văn bản chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận và các văn bản chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực tuyên giáo. Đối với từng lĩnh vực công tác thường xuyên và cụ thể, Ban tuyên giáo các cấp đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình học tập, quán triệt và chỉ đạo triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và mở được 32 lớp bồi dưỡng, học tập lý luận cho 2.513 học viên tham gia; thẩm định 04 bản thảo cuốn lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng địa phương; hoàn thành việc sưu tầm, tổng hợp trên 600 văn bản với tổng số gần 3.500 trang A4 phục vụ việc xây dựng cuốn văn kiện Đảng bộ tỉnh, tập I (giai đoạn 1945-1975). Duy trì tốt việc tổ chức hội nghị giao ban báo chí, hội nghị báo cáo viên hằng tháng, chú trọng nắm tình hình dư luận xã hội, từ đó chủ động mời 4 cơ quan, đơn vị thông tin về các vấn đề được dư luận quan tâm; biên tập được 23 chuyên đề tài liệu tham khảo phục vụ cho đội ngũ báo cáo viên các cấp. Biên tập, xuất bản và phát hành 03 số Bản tin thông báo nội bộ của tỉnh đến các chi, đảng bộ cơ sở, với số lượng 13.500 cuốn; chỉ đạo, định hướng các hoạt động vui tết, đón xuân, văn nghệ, thể thao và các lễ hội được diễn ra sôi nổi, đúng qui định của Đảng và Nhà nước…

Tại hội nghị đã có 16 ý kiến phát biểu liên quan đến nhiều lĩnh vực của công tác tuyên giáo. Kết luận hội nghị, đồng chí Sèn Chỉn Ly, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiếp thu, giải trình toàn bộ các ý kiến phát biểu tại hội nghị, đồng thời đề nghị Ban Tuyên giáo/Tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh tập trung triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tuyên giáo quý II-2018. Trong đó, cần thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong báo cáo. Trước mắt cần đổi mới nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên các lĩnh vực công tác tuyên giáo; chủ động phối hợp với ngành giáo dục, Đoàn thanh niên để tuyên truyền trong các trường học, đoàn viên thanh niên; đổi mới công tác biên soạn các tài liệu tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết…, nội dung cụ thể, thiết thực, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, sát với tình hình thực tế của địa phương (có thể biên soạn bằng tiếng dân tộc) để tuyên truyền đến người dân. Chủ động tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, thực hiện tốt công tác sơ, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh và huyện từ cơ sở, để hoàn thiện về mặt lý luận và qua sơ, tổng kết thực tiễn đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện các đề án: Đề án số 21-ĐA/TU, ngày 08-02-2018 của Tỉnh ủy về chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; Đề án số 22-ĐA/TU, ngày 08-02-2018 của Tỉnh ủy về đổi mới, sắp xếp các cơ quan trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); đẩy mạnh tuyên truyền việc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 gắn với kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái Quốc (11/6/1948-11/6/2018)…

                                            Hoàng Hợp
                                   (  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang )


Hà Giang làm tốt công tác vận động đồng bào 
tôn giáo trong thời gian qua

Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, toàn tỉnh có 19 dân tộc, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87% dân số toàn tỉnh, có 3 tôn giáo gồm Công giáo, Phật giáo và Tin Lành với số tín đồ chiếm khoảng 2,8% dân số toàn tỉnh. Tín đồ các tôn giáo đa số là nông dân lao động, có tinh thần yêu nước, dù hiểu giáo lý không sâu sắc nhưng lại tham gia các lễ nghi tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo một cách chăm chỉ, nhiệt tình. Đồng bào theo các tôn giáo khác nhau và đồng bào không theo tôn giáo đoàn kết trong khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng mở rộng và gắn bó chặt chẽ hơn. 
 Những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang từng bước khắc phục khó khăn và đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực: Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hàng năm đều tăng, lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo ổn định, hệ thống chính trị ở cơ sở luôn được xây dựng, củng cố; đồng bào các dân tộc, tôn giáo đoàn kết, cần cù chịu khó, tham gia đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân được tôn trọng, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được đảm bảo.
      Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành chương trình thực hiện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các quan điểm, chính sách, nhiệm vụ công tác tôn giáo trên các lĩnh vực. Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền còn dành thời gian tổ chức các cuộc gặp mặt, các đợt kiểm tra, khảo sát để nắm bắt tình hình, thường xuyên thăm hỏi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chức sắc và tín đồ các tôn giáo để có biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời, hợp lý, hợp tình, đúng pháp luật, luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo phát huy vai trò đóng góp cho xã hội và loại bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu. Việc cụ thể hóa Nghị quyết vào đời sống xã hội thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân, khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi công dân, đồng thời nghiêm cấm việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động vi phạm pháp luật. Do đó nhận được sự ủng hộ của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ, tạo lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự điều hành, quản lý của chính quyền. Hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh những năm qua cơ bản ổn định, theo đúng quy định của pháp luật; tín đồ, phật tử, giáo dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, đấu tranh chống lại việc lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời cũng đã làm chuyển biến căn bản nhận thức của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo, trách nhiệm của các cấp, các ngành được nâng lên, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo ở các cấp thường xuyên được kiện toàn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định tình hình tôn giáo và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh
Công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo đã tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo” được chỉ đạo thực hiện đạt kết quả; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các hoạt động tôn giáo trên địa bàn được đưa vào quản lý theo pháp luật. Các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào tôn giáo được quan tâm đầu tư xây dựng, đời sống của các chức sắc, tín đồ, giáo dân được cải thiện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định; đồng bào tôn giáo có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Có được kết quả trên là do các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các chủ trương, giải pháp của tỉnh, để cụ thể hóa vào các nhiệm vụ theo chức năng của đơn vị mình. Trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tôn giáo các cấp, các ngành tiếp tục phát huy kết quả đã đạt và vận dụng sáng tạo hơn nữa trên từng lĩnh vực có tác động đến tôn giáo, đề xuất các giải pháp, tổ chức tốt các chủ trương, chính sách về công tác vận động đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
                            
                        Lù Thị Hà (Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang)

Một số kết quả nổi bật trong việc đẩy mạnh ứng dụng, 
phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian qua
Trong những năm qua, nhằm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành phát triển chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Chương trình số 138-CTr/TU, ngày 20-4-2015 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01-7-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2017, tỉnh Hà Giang là tỉnh đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng chung. Trong bảng xếp hạng riêng, tỉnh Hà Giang đứng thứ 23 về hạ tầng kỹ thuật, thứ 11 trong xếp hạng hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt trong bảng xếp hạng ứng dụng CNTT tỉnh ta đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 7/63 trong bảng xếp hạng dịch vụ công trực tuyến

 

Đoàn công tác của tỉnh giám sát việc thực hiện Chương trình 138-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ủy tại  Chi bộ Sở Thông tin Truyền thông tỉnh
Cùng với việc tập trung ban hành hệ thống chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh các ứng dụng vào thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước. Đến nay, hầu hết các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm; số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 1.514 trạm; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%; tỷ lệ máy tính trên cán bộ, công chức của tỉnh đạt 93%; các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện đã hoàn thành việc triển khai và mạng nội bộ (LAN). Hệ thống Cổng/Trang thông tin điện tử được triển khai và đưa vào hoạt động hiệu quả gồm: 01 Cổng thông tin điện tử của tỉnh; 47 trang thông tin điện tử của sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể của tỉnh và 195 trang thông tin điện tử thành phần của các xã, phường, thị trấn
Tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực quản lý các mạng viễn thông, truyền hình, internet được triển khai và đưa vào sử dụng toàn diện; thống nhất việc thuê dịch vụ phần mềm quản lý văn bản điều hành điện tử (VNPTIOffice) đến 100% các cơ quan Đảng, sở, ban, ngành của tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; tổ chức nâng cấp, duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Hà Giang với quy mô trên 15.000 hộp thư điện tử, đồng thời cập nhật số điện thoại, hồ sơ danh bạ công chức điện tử trên Cổng thông tin điện tử. Nhiều sở, ngành đơn vị đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành, như: Ứng dụng phần mềm quản lý đầu tư công của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hệ thống giám sát trực tuyến các phiên tòa của Toàn án nhân dân tỉnh; phần mềm quản lý cấp số ô tô ra/vào tự động của Ban quản lý khu kinh tế; Phần mềm quản lý và cung cấp giá đất của Sở Tài nguyên và Môi trường; Phần mềm cơ sở dữ liệu theo dõi các nhiệm vụUBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh của Văn phòng UBND tỉnh; Quản lý tư pháp hộ tịch Sở Tư pháp... Tích hợp và đưa vào sử dụng chữ ký số chuyên dùng trên phần mềm một cửa điện tử liên thông; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa điện tử liên thông, kết quả: Năm 2017, toàn tỉnh xử lý điện tử 44.778 hồ sơ (Trong đó: cấp tỉnh 5.927 hồ sơ; cấp huyện: 13.713, cấp xã: 25.138 hồ sơ).
Bên cạnh đó tỉnh Hà Giang thường xuyên chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Hiện nay hầu hết cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện đã bố trí cán bộ quản trị vận hành công nghệ thông tin. Trong đó: cấp tỉnh: 79 công chức viên chức (đạt 100%); cấp huyện: 61 công chức, viên chức (đạt 100% ); cấp xã: 101 công chức (đạt 51.79%). Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về CNTTcho cán bộ công chức, viên chức các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng úng dụng công nghệ thông tin và cập nhật kiến thức an ninh mạng nhằm chủ động phòng, tránh các cuộc tấn công an ninh mạng cho cán bộ, công chức viên chức tại các cơ quan nhà nước; ngoài ra hằng năm tổ chức tập huấn sử dụng các sản phẩm ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh được 4.450 lượt cán bộ công chức, viên chức tại 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Trung tâm CNTT và Truyền thông trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng CNTT cho trên 5.000 lượt yêu cầu của cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định, việc ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tạo chuyển biến đáng kể về phương pháp làm việc của cán bộ, công chức trong tỉnh; thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tăng cường năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và phát triển lĩnh vực CNTT nói riêng.
Trong năm 2018 và thời gian tiếp theo để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, các cấp, ngành chức năng cần xác định CNTT làm cơ sở hạ tầng thông tin, thúc đẩy CCHC, tái cơ cấu kinh tế; tạo động lực để Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; lập đề án, triển khai đô thị thông minh tại các sở, ngành của tỉnh và UBND thành phố Hà Giang; thực hiện quy hoạch, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trên nền tảng Trung tâm tích hợp dữ liệu, phục vụ phát triển Chính quyền điện tử, đô thị thông minh tỉnh Hà Giang; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang bị cho Trung tâm CNTT và Truyền thông để nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị sử dụng, ứng cứu an toàn thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, hệ thống một cửa điện tử; triển khai tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên phần mềm thư điện tử công vụ tỉnh Hà Giang…         


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.355
Hôm qua : 2.823
Tháng 07 : 5.178
Năm 2024 : 510.524