A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh với việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục-đào tạo. Người đã từng là thầy giáo ở nhiều lớp huấn luyện cán bộ cách mạng, thường xuyên đến thăm các lớp xóa mù chữ, bình dân học vụ các trường phổ thông, đại học, các lớp bồi dưỡng giáo viên… Qua hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh thấy rõ tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Người đã để lại cho chúng ta những tư tưởng quý giá cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì các thầy giáo, cô giáo mang trên mình nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là “Người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”; thầy, cô giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Do đó, đòi hỏi người giáo viên phải có đức và có tài. Đức của nhà giáo là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm đối với nghề, với học sinh; còn tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn… Mỗi thầy cô giáo phải luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, học để biết làm việc, học để biết làm người, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục-đào tạo. Người còn lưu ý giáo viên phải coi trọng học tập chính trị để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách “Trồng người”. 

Cùng với việc rèn luyện đạo đức, chuyên môn của giáo viên, để đổi mới cho được nền giáo dục nước nhà, theo Người cần xây dựng một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em, giáo dục phải gắn với học và hành, nội dung của giáo dục cần phù hợp với mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, mỗi bậc học. Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của đất nước, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà”. Người rất coi trọng phương pháp giáo dục và nhấn mạnh: Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Mục đích là làm cho người học có thái độ học tập, rèn luyện tích cực và tự giác, có như vậy việc tiếp thu nội dung giáo dục mới nhanh chóng, hiệu quả, đạt mục tiêu.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giáo dục-đào tạo trong sự nghiệp cách mạng, đặc biệt đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo đó, các quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới là: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ. Cùng với đó, đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Kết quả trong những năm qua, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nâng tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo từ 85,8% (năm 2015) lên 99,98% (năm 2019), đồng thời tiếp tục phổ cập bền vững giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Chương trình, nội dung giáo dục mầm non được đổi mới theo hướng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục. Trẻ em mẫu giáo ở các vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường. Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến. Giáo dục đại học hướng đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và các bên liên quan. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được triển khai có hiệu quả trong việc dạy và học…

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, càng thấy rõ đây là tư tưởng về những phương pháp giáo dục con người toàn diện, phương châm giáo dục thiết thực, cụ thể của Bác và hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tỏa sáng tính cách mạng, tính nhân văn và tính dân tộc sâu sắc. Đẩy mạnh và phát triển căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục-đào tạo trong công cuộc đổi mới hôm nay là thực hiện tư tưởng của Người, góp phần quan trọng nhanh chóng đưa nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Bác hằng mong muốn.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 111
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.261
Năm 2024 : 570.607