A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn, nhà cách mạng thiên tài, nhà tuyên truyền kiệt xuất của Việt Nam trong thế kỷ XX. Người không chỉ vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, mà còn tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước để biến những quan điểm, tư tưởng đó thành hành động cách mạng thực tiễn của nhân dân. Cho đến nay chính những quan điểm, tư tưởng ấy đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân với ý chí phấn đấu; phát huy sức mạnh cả vật chất và tinh thần. Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực và sáng tạo trong công việc hằng ngày, trong lao động sản xuất, mà còn là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, của tình cảm đối với Tổ quốc, đối với quê hương. Khi phát biểu tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 01/5/1952, Hồ Chí Minh đã nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Người cũng từng chỉ ra rằng thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc, đồng thời nhấn mạnh cần gắn kết việc phát huy được lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam với phong trào thi đua yêu nước.

Cùng với đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh thi đua phải trở thành phong trào rộng lớn và có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Bởi vì theo Bác, thi đua là công việc của tất cả mọi người không phân biệt già hay trẻ, trai hay gái; không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt thành phần dân tộc; không phân biệt ngành, nghề; không phân biệt tầng lớp giàu hay nghèo…, mà thi đua phải trở thành phong trào rộng lớn, sao cho: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua. Theo quan điểm của Bác, yêu nước phải được thể hiện thông qua hành động cách mạng và với chủ trương thi đua toàn dân, toàn diện. Do đó, Bác đã yêu cầu cần phải phát động phong trào thi đua cho rộng khắp, làm cho: “Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác”. Để thi đua có chất lượng và hiệu quả cao, Bác nhấn mạnh: Khi tổ chức phong trào thi đua cần phải xác định rõ mục đích, trên cơ sở đó để lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch cho thiết thực để đạt được mục đích; nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực; kế hoạch thi đua cần được bàn bạc dân chủ trong dân chúng để mọi người đều hiểu, mọi người đều vui lòng nhận và quyết tâm làm cho kỳ được. Có như thế kết quả mới đầy đủ, tốt đẹp.

Tuy nhiên, để phong trào thi đua phát triển, Bác cũng chỉ rõ: Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua phải thân ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để đạt được thành tích cao nhất và phải chống bệnh quan liêu, chống tham ô, lãng phí. Vì bệnh tham ô, quan liêu, lãng phí sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm cho nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua. Cùng với đó, Bác chỉ rõ nhiệm vụ của những chiến sỹ thi đua là: “Phải cố gắng mãi, tiến bộ mãi. Phải khiêm tốn và gần gũi quần chúng, phải làm gương cho quần chúng… Tuyệt đối chớ tự kiêu tự mãn, chớ xa rời quần chúng” và “Chiến sỹ thi đua là những con người mới, những người luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi tớ của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”… Điều đặc biệt nữa Bác nhấn mạnh: Phát động bất kỳ phong trào thi đua nào, sử dụng bất kỳ hình thức khen thưởng nào đều yêu cầu đảm bảo thi đua phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng, thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng với tổ chức chính quyền và đoàn thể quần chúng. Đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở trong mỗi phong trào cần thường xuyên kiểm tra, giám sát và sau mỗi phong trào thi đua chúng ta phải chú trọng tới công tác tổng kết từng việc, từng cán bộ, từng đợt, từng địa phương để thấy rõ đúng, sai và rút kinh nghiệm cho thời gian sắp tới. Trong đó, việc tổng kết rút kinh nghiệm phải gắn liền với công tác khen thưởng. Vì khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua, khen thưởng đúng lúc cũng là một “Đòn bẩy” thiết thực động viên phong trào thi đua.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có giá trị hết sức to lớn cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Kế thừa, tiếp thu và phát huy những giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang nói riêng đang tiếp tục phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia như: Phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới, phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “Xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở”… đây là nguồn sức mạnh nội sinh để chúng ta thực hiện tốt mục tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 113
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.263
Năm 2024 : 570.609