A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ trong xã hội

Tư tưởng của Bác Hồ về vai trò của phụ nữ trong xã hội được xuất phát từ tình cảm đặc biệt của Người đối với những người phụ nữ nói chung và từ thực trạng bất bình đẳng của phụ nữ dưới chế độ phong kiến, sự cai trị thâm độc của thực dân Pháp đối với nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bác Hồ luôn đánh giá cao vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam. Với Người, việc giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng là một mục tiêu lớn của cách mạng do Đảng cách mạng lãnh đạo.

Với cách nhìn toàn diện, Bác Hồ nhấn mạnh rằng phụ nữ chiếm một nửa nhân loại: “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội”, cũng tương tự “Phụ nữ Việt Nam chiếm một nửa tổng số nhân dân ta”. Người còn chỉ rõ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”. Vì vậy, theo Người, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”, “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Bác Hồ phân tích có lý, có tình, rằng: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất định phải sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ.

Người chỉ rõ: Công tác phụ nữ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “Nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng... đều nhằm mục đích ấy”. Theo Bác, bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình. Bác đã chỉ ra“Chồng đánh chửi vợ, cha mẹ đánh chửi con, là điều rất dã man”. Theo Bác, quyền bình đẳng thực sự của người phụ nữ là “Người phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”.

Để thực hiện tốt bình đẳng đối với phụ nữ, Người nhắc nhở các cấp, các ngành… phải kính trọng phụ nữ, quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới, phải thông cảm sâu sắc với quần chúng và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc khó khăn. Đối với các đoàn thể phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Đối với chính bản thân người phụ nữ, Bác khuyên phải tự đấu tranh vì quyền lợi của mình, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chị em phụ nữ cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Bên cạnh đó, Bác phê phán những tư tưởng mang nặng định kiến giới, coi thường phụ nữ.

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của phụ nữ. Phong trào phụ nữ đã có bước phát triển, nhiều phụ nữ đã thể hiện năng lực, phẩm chất, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và công tác, đạt những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đội ngũ cán bộ nữ đã có bước trưởng thành rõ rệt. Số lượng và chất lượng cán bộ nữ phát triển không ngừng. Trong các cấp ủy đảng và ở các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở đều có cán bộ nữ tham gia. Có thể khẳng định, phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại ngày một trưởng thành, lớn mạnh. Vị thế và vai trò người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Tư tưởng của Bác về vai trò của phụ nữ trong xã hội còn nguyên giá trị.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 112
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.262
Năm 2024 : 570.608