A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị ở huyện Mèo Vạc

CTTBTG - Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở huyện Mèo Vạc.

Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thường xuyên được đẩy mạnh. Trong đó, Phòng Văn hóa – Thông tin đã tuyên truyền được 120 buổi bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc; các xã, thị trấn đã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh không dây được 216 lượt, tuyên truyền lồng ghép qua các buổi họp thôn được trên 500 lượt. Góp phần huy động sự chung tay của cộng đồng trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em,  đẩy lùi hành vi ngược đãi, bạo lực, xâm hại, bóc lột sức lao động của trẻ em tạo điều kiện để trẻ em được phát triển bình đẳng.

Một chương trình tặng quà cho trẻ em tại xã Nậm Ban

Đồng thời huyện cũng triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước; xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại, bóc lột trẻ em. Trong 10 năm các cơ quan chức năng của huyện đã hỗ trợ giải quyết 25 vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Đồng thời, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc từ một hình thức trở lên đạt trên 95%; có trên 12.150 trẻ em/năm được cấp phát thẻ khám chữa bệnh, đạt trên 98% tổng số trẻ em dưới 6 tuổi; toàn huyện đang giải quyết và chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng cho 26.309 lượt trẻ em với kinh phí 15.843,412 triệu đồng.

Chất lượng giáo dục trẻ em ngày càng được nâng cao, 100% trẻ em độ tuổi đến trường được chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định, tham gia các hoạt động của lớp, trường theo kế hoạch giáo dục đề ra, đảm bảo chất lượng. Đến nay, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo đi học 0-2 tuổi đạt 7,62%; 3-5 tuổi 95,56%. Riêng 5 tuổi đạt 99,25%; tỷ lệ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,97%; tỷ lệ trẻ em 6-14 tuổi đạt 99,86%. Cấp ủy, chính quyền cũng đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, trong 10 năm đã xây dựng mới 08 thư viện thân thiện và hỗ trợ sách, truyện, đồ chơi; thành lập 32 thư viện góc lớp  tại các trường mầm non và tiểu học; xây mới 21 điểm trường mầm non và 4 điểm trường tiểu học với 54 phòng học; xây dựng 16 bếp ăn bán trú…

Việc huy động xã hội hóa đóng góp nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tăng cường thông qua các chương trình của Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự hỗ trợ về nguồn lực của hệ thống Quỹ bảo trợ trẻ em từ trung ương đến địa phương. Huyện đã tiếp nhận sự hỗ trợ từ Tổ chức Rồng Xanh với tổng số tiền 1.066,6 triệu đồng, Dự án Plan với số tiền 74.067,55 triệu đồng hỗ trợ cho xây dựng cơ sở vật chất, truyền thông để bảo vệ trẻ em và phòng chống mua bán, xâm hại trẻ em..

Có thể nói, Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đã được huyện Mèo Vạc tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực. Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về tăng cường vai trò lãnh đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Công tác quản lý nhà nước ngày càng được tăng cường, bảo đảm quyền trẻ em được thực hiện đúng quy định, việc huy động và sử dụng nguồn lực thực hiện mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả. Công tác giải quyết các chế độ, chính sách hỗ trợ, phòng chống tại nạn trẻ em được quan tâm thực hiện…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Mèo Vạc tiếp tục chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quyền trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Chú trọng vận động các các tổ chức, cá nhân, doanh  nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn. Đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; tạo môi trường cho trẻ em được học tập, tham gia các hoạt động xã hội, đảm bảo thực hiện tốt các quyền trẻ em; đồng thời làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục trẻ em.

Lương Nghĩa (BTGTU)


Tác giả: Lương Hoàng Nghĩa
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.462
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.246
Năm 2024 : 513.592