A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay. Vì vậy, tỉnh Hà Giang xác định chuyển đổi số là giải pháp nền tảng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng-an ninh; coi đây là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung thúc đẩy thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý kinh tế số, xã hội số phát triển. Đồng thời, xác định chuyển đổi số để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động của cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay việc chuyển đổi số của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là xây dựng chính quyền điện tử. Mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ICT Index) đạt mức khá so với các tỉnh/thành phố trong cả nước; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 80,62%; tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt 66,38%. 100% cơ quan hành chính có trang, cổng thông tin điện tử; tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan đạt 100%, văn bản điện tử ứng dụng chữ ký số đạt 60%; 100% huyện, xã có điểm cầu trực tuyến. Tỉnh hoàn thành việc nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; thí điểm Trục chia sẻ tích hợp dữ liệu, kết nối thành công với 09 cơ sở dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tái cấu trúc quy trình TTHC, tạo lập dữ liệu điện tử và ban hành các quyết định công bố TTHC được chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận 74.278 hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC, trong đó tiếp nhận trực tuyến 3.215 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 4,86 % so với số hồ sơ mới tiếp nhận; tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính 62.883 hồ sơ; đã giải quyết 65.466 hồ sơ, trong đó số hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn đạt 92,3%. 

Hướng dẫn người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế và dịch vụ, du lịch bắt đầu hình thành nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và logistics. Hạ tầng xã hội số có bước phát triển mạnh, đến nay, 100% xã có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ xã, phường thị trấn có mạng internet băng thông rộng đạt 98%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt 100%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%; người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, hình thành văn hóa trên môi trường số.

Thực tế, Hà Giang là tỉnh còn nhiều khó khăn, việc triển khai chuyển đổi số còn bộc lộ một số hạn chế, như: Chậm hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử; một số ngành, lĩnh vực chưa chủ động tham gia chuyển đổi số; số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp; quản lý thông tin trên không gian mạng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; dân cư sinh sống phân tán nên việc cung cấp các dịch vụ cho người dân gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu đặt ra, các cấp, ngành đang tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân về tham gia chuyển đổi số nhằm thay đổi thói quen, kỹ năng từ thủ công, thụ động sang kỹ năng số. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công Hội thảo và ký kết hợp tác giữa tỉnh Hà Giang và Tập đoàn FPT về chuyển đổi số; ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp và kê khai thuế qua mạng điện tử; cập nhật kịp thời, đầy đủ, công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách lao động, việc làm và thông tin các chương trình đào tạo trên các trang thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành; triển khai xây dựng Đô thị thông minh; kết nối liên thông hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến với phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc Vnptioffice. Tái cấu trúc hạ tầng và phương án vận hành các hệ thống giao ban trực tuyến; thí điểm chuyển đổi số cấp xã…

Chuyển đổi số là giải pháp có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực KT-XH, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo. Việc triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số chính là đón đầu xu hướng phát triển, từ đó tạo động lực để thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững.

Biện Luân


Thống kê truy cập
Hôm nay : 6
Hôm qua : 1.310
Tháng 12 : 41.486
Năm 2024 : 978.184