A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo sức bật trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Nơi địa đầu Tổ quốc ở vùng Đông Bắc có địa hình và thời tiết khắc nghiệt, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thời gian qua, ngành y tế Hà Giang đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp để tạo ra những thay đổi cả về cơ cấu và chất lượng của tuyến y tế cơ sở nhằm tạo ra sức bật mới cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tạo sức bật từ tuyến y tế cơ sở

Dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng những năm qua Hà Giang đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện, hệ thống y tế cơ sở của Hà Giang có 11 bệnh viện gồm 3 bệnh viện đa khoa khu vực và 8 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 11 trung tâm y tế tuyến huyện/thành phố; 11 trung tâm dân số - KHHGĐ; 18 phòng khám đa khoa khu vực và 176 trạm y tế xã/phường/thị trấn. Trung bình toàn tỉnh có 9,8 bác sĩ/10.000 dân và 1,03 dược sĩ đại học/10.000 dân, bình quân 5,2 cán bộ/trạm y tế xã. Hà Giang vẫn duy trì 100% xã đạt Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Tất cả 193 xã, phường, thị trấn đều có bác sĩ công tác và 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi công tác. Đây là điều rất đáng phấn khởi đối với y tế của một tỉnh miền núi. Chỉ tiêu bình quân giường bệnh/vạn dân được tính trên số giường thực kê của các bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực ước thực hiện là 41,2 đạt 95,8% so với kế hoạch giao.

Với mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến được củng cố, ổn định và phát triển đã bảo đảm thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách, khám chữa bệnh BHYT, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Ngành Y tế Hà Giang cũng phối hợp tốt với các địa phương trong việc hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động/dự án thuộc 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia tại địa phương. Bên cạnh đó, các tuyến y tế cơ sở cũng rất chú trọng triển khai nhiều hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh, dân số - sức khỏe sinh sản, an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm, đẩy mạnh quản lý ngay tại cộng đồng các bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm…

Tạo sức bật trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân -0

Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Minh triển khai đơn nguyên thận nhân tạo

Là tỉnh miền núi có địa bàn rộng, giao thông chưa thuận lợi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, các tuyến y tế trên địa bàn Hà Giang đều tập trung nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, xây dựng quy trình khám, chữa bệnh khoa học, tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Hà Giang cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, bổ sung trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến hỗ trợ các bệnh viện trong chẩn đoán, điều trị như hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhiều thông số, hệ thống máy chụp CT- Scan đa dãy, MRI, hệ thống chụp mạch DSA, hệ thống phẫu thuật nội soi, hệ thống máy thận nhân tạo…

9 tháng năm 2022, toàn tỉnh khám chữa bệnh cho 727.240 lượt người, đạt tỷ lệ 74,5% kế hoạch. Trong đó: khám tại bệnh viện và PKKV 476.598 lượt người; khám tại xã 250.642 lượt. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú 129.814 lượt người. Công suất giường bệnh đạt 104,5%; ngày điều trị trung bình là 5,8.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 từng bước được kiểm soát, giám sát và khống chế hiệu quả. Tỷ lệ tiêm chủng vaccnie Covid-19 cho các đối tượng và các nhóm tuổi đạt cao, độ bao phủ vaccine Covid-19 đạt ngưỡng tương đối an toàn. Các đơn vị y tế đã chủ động hơn trong việc điều chỉnh hoạt động chuyên môn để thực hiện thích ứng, an toàn và linh hoạt với dịch bệnh đến kết quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy mạnh tiến độ chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Tạo sức bật trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân -0

Mô hình bác sĩ gia đình triển khai tại xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì năm 2019

Kéo gần khoảng cách với các bệnh viện lớn

Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, được sự hỗ trợ của các bệnh viện trung ương như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện E… về việc chuyển giao kỹ thuật trong điều trị khám, chữa bệnh nên người dân Hà Giang được thụ hưởng một số dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại bệnh viện vệ tinh, không phải chuyển tuyến về các bệnh viện trung ương. Nhờ đó, các bác sĩ tại các cơ sở y tế có điều kiện được nâng cao chuyên môn kỹ thuật, cập nhật các kiến thức y khoa mới góp phần cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là những ca bệnh khó, ca bệnh cần thời gian cấp cứu trong “giờ vàng” như chấn thương sọ não, áp xe não, can thiệp tim mạch, dị tật đường tiêu hóa, cắt gan do chấn thương…

Cho đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh, 1 số bệnh viện tuyến huyện đã triển khai hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương… và giữa các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế Hà Giang cũng phối hợp với Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế triển khai hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở cho 193 xã, phường, thị trấn bằng hệ thống “Bác sĩ cho mọi nhà” do UNDP tài trợ từ tháng 12.2020. Nhờ đó, trình độ chuyên môn của các bác sĩ các tuyến ngày càng được nâng cao, người bệnh được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh chuyên sâu, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giúp người bệnh yên tâm điều trị. nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh điều kiện kinh tế, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Sở Y tế Hà Giang phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh phân bổ vốn đầu tư để triển khai Kế hoạch chuyển đổi số y tế. Trước mắt tập trung vào hoạt động đầu tư trang bị hệ thống quản lý hình ảnh (PACS) và triển khai hệ thống quản lý bệnh viện tại cơ quan Văn phòng Sở Y tế cùng với 3 Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Minh và Bắc Quang. Ngành cũng chỉ đạo các đơn vị y tế tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm y tế... để nâng cao năng lực quản lý, điều hành công tác y tế. Phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương tổ chức hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa và thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho y tế tuyến dưới, kéo gần khoảng cách giữa các bệnh viện tuyến trung ương với bệnh viện địa phương để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân
Thống kê truy cập
Hôm nay : 460
Hôm qua : 2.987
Tháng 04 : 102.381
Năm 2024 : 290.721