A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang: Hiệu quả cao nhờ xây dựng nông thôn mới

Sau 11 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Giang đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Nhiều kết quả tích cực

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2011 trong phạm vi 175 xã/11 huyện, thành phố.

Giai đoạn 2011 – 2021, toàn tỉnh có 1 đơn vị (thành phố Hà Giang) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 47/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí nông thôn mới; 115 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 2 xã đạt dưới 9 tiêu chí. Có 69 thôn được công nhận thôn nông thôn mới.

Riêng năm 2022, tỉnh Hà Giang thực hiện kế hoạch tăng tiêu chí xã nông thôn mới, xây dựng thôn nông thôn mới (không thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới). Kết quả: Có 26/34 tiêu chí đạt so với kế hoạch đề ra; 22/60 thôn đạt 12/12 tiêu chí thôn nông thôn mới, 38 thôn còn lại đều đạt từ 9 – 11 tiêu chí. Đặc biệt, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh ta phấn đấu xây dựng huyện Bắc Quang và Quang Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Hà Giang: Hiệu quả cao nhờ xây dựng nông thôn mới

Làm đường bê tông nông thôn tại xã Mậu Duệ - huyện Yên Minh

Thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới, bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tỉnh Hà Giang đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm và vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức để rút ngắn thời gian hoàn thành tiêu chí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, môi trường sống của người dân nơi địa đầu Tổ quốc.

Theo số liệu của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang, tính từ đầu năm đến nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức trên 1.544 đợt ra quân xây dựng NTM với 102.121 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, phát động phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và ký kết thực hiện các chỉ tiêu năm 2022. Kết quả, toàn tỉnh đã huy động nhân dân hiến trên 145.944 m2 đất, đóng góp 228.213 ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; mở mới được 56km đường đất đá; sửa chữa, nâng cấp được trên 345,8 km đường giao thông các loại. Cung ứng xi măng được 35.092 tấn cho các huyện, thành phố và tổ chức xây dựng được 370km đường bê tông nông thôn...

Việc hiến đất xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã trở thành phong trào tự giác rộng khắp. Thông qua hiến đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ làm đường nông thôn, thuỷ lợi, xây dựng các hạ tầng thiết yếu. Có thể thấy, sự đồng thuận, chung sức của người dân đã góp phần to lớn trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn, từng bước được hoàn thiện hơn. Từ đó, những con đường mới mở ra, không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho bà con có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, làm giàu cho quê hương.

Mục tiêu mới

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về lãnh đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Hà Giang phấn đấu đến năm 2025, huyện Bắc Quang, Quang Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới; nâng tổng số đơn vị cấp huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới là 03 đơn vị; có thêm 35 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn tỉnh lên 82 xã; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí. Bình quân cả tỉnh đạt trên 16 tiêu chí/xã. Có từ 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương khoảng 800 thôn); 100% thôn biên giới có điện và có đường giao thông đạt tiêu chí nông thôn mới …

Hà Giang: Hiệu quả cao nhờ xây dựng nông thôn mới

Làm đường bê tông nông thôn tại Huyện Vị Xuyên

Nghị quyết khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là Chương trình Phát triển tổng hợp, toàn diện, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Phát huy những kết quả đạt được của 10 năm qua để tiếp tục xây dựng nông thôn mới bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, môi trường sống của người dân so với giai đoạn trước và phù hợp với điều kiện thực tế.

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang tập trung chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra, song không ấn định thời gian thực hiện hoàn thành số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch từng năm, mà tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành theo từng nhóm tiêu chí đối với từng xã để tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm cuối của giai đoạn, đảm bảo hết giai đoạn hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, cần tiếp tục đầu tư, duy trì và nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới trên cơ sở thực hiện cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp đến năm 2025 theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của khu vực miền núi phía Bắc.

Cũng theo Nghị quyết, thực hiện lồng ghép nguồn vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án khác để thực hiện các mục tiêu kế hoạch của Chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Xác định lấy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm gốc, 02 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại (Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triền kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030) sẽ thực hiện hỗ trợ, lồng ghép nguồn vốn; các huyện, xã thực hiện tốt việc xã hội hóa huy động nguồn lực theo quy định để thực hiện đạt các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 đã đề ra…

Tỉnh ủy Hà Giang đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của chính quyền, sự tham gia vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, quán triệt triển khai các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới; tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 11 nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 263/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: Báo Công Thương


Thống kê truy cập
Hôm nay : 549
Hôm qua : 2.987
Tháng 04 : 102.470
Năm 2024 : 290.810