A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày trở về của liệt sĩ biên giới phía Bắc

CTTBTG - Trên chuyến xe lên Hà Giang, bà Lê Thị Hương ôm di ảnh anh trai, liệt sĩ Lê Nam Hòa, thủ thỉ "Chúng em đưa anh lên chốt chào đồng đội rồi mình về nhà".

Sau 38 năm nằm lại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc quấy nhiễu biên cương, hài cốt liệt sĩ Lê Nam Hòa được gia đình, đồng đội ở Sư đoàn 356 đưa về quê xã Nga Quán (Trấn Yên, Yên Bái) ngày 9/11.

Đại diện chính quyền xã Nga Quán, người làng đã có mặt sớm, hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Khi chuyến xe dừng trước cửa nhà, đồng đội phân công nhau người ôm di ảnh, người đưa hài cốt vào. "Chúng tôi hành quân đánh trận cùng nhau, giờ phải tự tay giao anh ấy về cho gia đình, quê hương bản quán", một cựu binh nói.

Các em gái ruột vây quanh, òa khóc khi thấy di hài anh trai. Mẹ liệt sĩ đã 93 tuổi, ngồi ở góc thềm trông ra, nghẹn ngào "Thằng Hòa cuối cùng đã về với mẹ". Đưa con trai từ nghĩa trang Vị Xuyên về là ý nguyện của bà và chồng trước khi mất.

Đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ Lê Nam Hòa về nhà, ngày 9/11. Ảnh: Hồng Chiêu

Đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ Lê Nam Hòa về nhà, ngày 9/11. Ảnh: Hồng Chiêu

Trước ngày đưa anh trai về, em gái út Lê Thị Hương kể thi thoảng lại mơ thấy 8 anh chị em thời thơ bé. Năm 1978, anh cả Lê Nam Hòa đã lên đường bảo vệ biên giới tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai).

Tháng 2/1979, anh Hòa đánh trận bảo vệ Mường Khương khi quân Trung Quốc tràn sang sáu tỉnh biên giới. Nghe tin con trai bị thương, cha bà đạp xe từ Yên Bái lên Lào Cai, hỏi thăm khắp các bệnh viện, ngó từng chuyến xe chở thương binh về hậu cứ tìm con.

Trung Quốc rút quân, anh Hòa đi học rồi làm sĩ quan huấn luyện bộ binh ở Lào Cai. Đầu năm 1984, Hà Giang xảy ra chiến sự, Sư đoàn 356 được điều thẳng từ Hoàng Liên Sơn sang bảo vệ Vị Xuyên và anh Hòa một lần nữa xung trận.

Bà Hương nhớ năm ấy gia đình nhận được duy nhất lá thư báo tin "con lại sắp hành quân đánh giặc". Nhưng người bưu tá giao trễ vài ngày. Cả nhà bắt tàu lên Lào Cai gặp anh trước giờ ra trận, nhưng đại đội đóng quân đã di chuyển.

Nước mắt những người em gái ruột của liệt sĩ Lê Nam Hòa sau gần 40 năm gặp lại anh trai. Ảnh: Hồng Chiêu

Nước mắt những người em gái ruột của liệt sĩ Lê Nam Hòa sau gần 40 năm "gặp lại" anh trai. Ảnh: Hồng Chiêu

Liệt sĩ Hòa hy sinh tháng 7/1984 trong chiến dịch bộ đội Việt Nam phản công giành lại các cao điểm bị quân Trung Quốc lấn chiếm trái phép. Cuộc chiến biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm với những trận pháo kích quấy nhiễu, xâm lấn từ phía bên kia. Khốc liệt nhất là chiến trường Vị Xuyên.

Cũng như liệt sĩ Hòa, hàng nghìn thanh niên tòng quân lên phía Bắc những năm ấy không hẹn ngày về. Hơn 4.000 bộ đội nằm lại chiến trường Vị Xuyên, hơn 9.000 người bị thương giai đoạn 1984-1989, theo thống kê chưa đầy đủ từ Ban liên lạc mặt trận này.

Đồng hành với gia đình đưa liệt sĩ Hòa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trấn Yên là các cựu chiến binh từng trấn giữ biên cương phía Bắc. Trong đó có vợ chồng ông Hà Hữu Thân và bà Nguyễn Thị Minh Nga. Ông Thân là đồng đội chiến đấu, còn bà Nga từng là vợ liệt sĩ Hòa.

Ngày còn chung đơn vị Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149 (Sư đoàn 356), hai người lính coi nhau như anh em. Ông Thân là đại đội trưởng, còn ông Hòa là đại đội phó. Trong đêm trước giờ xuất kích giành lại cao điểm 685, họ ngồi cùng nhau dưới gốc đa hang làng Lò, xã Thanh Thủy.

"Ra trận người còn người mất. Nếu chẳng may có người hy sinh thì người còn sống có trách nhiệm thay người nằm xuống lo cho gia đình. Trước là vợ con, sau là bố mẹ", đại phó Hòa khi ấy gửi gắm. Ông Thân trách đồng đội đừng nói gở.

Người lính Vị Xuyên được an táng trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trấn Yên, cách nhà 2 km. Ảnh: Hồng Chiêu

Người lính Vị Xuyên được an táng trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trấn Yên, cách nhà 2 km. Ảnh: Hồng Chiêu

Trung úy Hòa trúng đạn pháo hy sinh, đại trưởng Hà Hữu Thân bị thương nặng được chuyển về tuyến sau. Bà Nga trở thành vợ liệt sĩ lúc 27 tuổi. Cuộc sống khó khăn, bà xin phép bố mẹ chồng đưa con về quê ngoại Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, làm việc tại Trung tâm Y tế huyện. Bà từng một mình lên Hà Giang tìm mộ chồng với mong muốn đưa về Yên Bái, nhưng điều kiện chưa cho phép.

Năm 1987, ông Thân đóng quân ở Đoan Hùng, nhớ lời đồng đội trước lúc hy sinh nên cùng vài người tới thăm mẹ con bà Nga. Trông cảnh mẹ góa con côi, ông xin phép qua lại chăm sóc, nhưng bà Nga cự tuyệt vì sợ người đời đàm tiếu.

Nhưng rồi di nguyện của liệt sĩ trước lúc hy sinh đã "nối duyên" cho người vợ trẻ và đồng đội. Sau hai năm, bà Nga mới chịu gật đầu khi chứng kiến sự chân thành của ông Thân. Hai người làm mâm cơm cúng, thắp hương xin phép liệt sĩ Hòa được nối mối nhân duyên để thành vợ chồng.

Ông Hà Hữu Thân đứng trước mộ đồng đội Lê Nam Hòa trong Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên với lời khấn đưa cậu về với cha mẹ. Ảnh: Hồng Chiêu

Ông Hà Hữu Thân đứng trước mộ liệt sĩ Lê Nam Hòa trong Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên trước giờ đưa đồng đội về nhà. Ảnh: Hồng Chiêu

Đưa đồng đội về đoàn viên với gia đình, ông Thân bảo thấy nhẹ lòng dù hầu như năm nào vợ chồng cũng cùng cựu binh trở về Vị Xuyên dịp "giỗ trận". Câu chuyện của hai người lính dưới gốc đa hang làng Lò năm xưa ông chưa bao giờ kể lại cho bà Nga. Ông không muốn vợ nghĩ "vì lời hứa ràng buộc" và tình cảm dành cho hai mẹ con khi ấy là thật lòng.

Về phần mình, bà Nga chưa nguôi nỗi buồn bởi sự kết nối với người chồng liệt sĩ là con trai Lê Nam Duy đã qua đời sau một tai nạn năm 2010. Sáu năm nay, gian trên cùng của ngôi nhà luôn đặt hai bàn thờ cha con liệt sĩ Hòa.

Câu chuyện của ba người liệt sĩ Hòa, ông Thân và bà Nga luôn được các cựu binh Sư đoàn 356 kể cho nhau nghe để nhắc nhớ về tình đồng đội.

Theo Hồng Chiêu, VnExpress.net


Thống kê truy cập
Hôm nay : 316
Hôm qua : 4.173
Tháng 05 : 50.652
Năm 2024 : 350.066