A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản Bạ - Hà Giang: Phát triển các sản phẩm OCOP thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo

Chương trình OCOP của huyện Quản Bạ đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Quản Bạ là một trong 4 huyện thuộc vùng Cao nguyên đá và là một trong 7 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng Chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), huyện Quản Bạ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy của các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân. Huyện đã ban hành kế hoạch và danh mục phát triển các sản phẩm OCOP đối với từng vùng sinh thái cụ thể. Đặc biệt, để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa, Quản Bạ đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP chủ yếu của huyện Quản Bạ đạt tiêu chuẩn từ 3 - 4 sao cấp tỉnh như: Hồng không hạt, thảo quả, rượu ngô men lá Thanh Vân, bò vàng, các sản phẩm từ cây dược liệu như cao Astiso, cao hà thủ ô….

Quản Bạ - Hà Giang: Phát triển các sản phẩm OCOP thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo

Cán bộ kỹ thuật huyện Quản Bạ kiểm tra vùng trồng cây Astiso

Các sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Quản Bạ được gắn liền với các sản phẩm du lịch của huyện và sản phẩm du lịch của tỉnh. Nhờ đó, trong những năm qua, các sản phẩm OCOP của Quản Bạ đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên vùng Cao nguyên đá. Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh cũng góp phần tiêu thụ và thúc đẩy quá trình phát triển các sản phẩm OCOP của huyện Quản Bạ. Vì vậy, trong những năm qua, thu nhập của người dân trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên. Đó chính là nền tảng quan trọng giúp huyện xây dựng thành công nông thôn mới trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện Quản Bạ đã đẩy mạnh thực hiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Nhờ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa đã tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác xoá đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Do đặc điểm địa hình nên Quản Bạ có nhiệt độ mát quanh năm, nhờ đó huyện đã đẩy mạnh phát triển các loại cây ăn quả ôn đới. Vì vậy, trong những năm qua, nhất là từ khi được công nhận là đặc sản của địa phương và là sản phẩm OCOP đặc thù 4 sao cấp tỉnh, cây hồng không hạt luôn được huyện quan tâm qui hoạch phát triển và nâng cao chất lượng. Cho tới thời điểm hiện tại diện tích hồng không hạt của Quản Bạ đã đạt trên 3,5 ha.

Cũng nhờ có khí hậu mát quanh năm, trong những năm qua, Quản Bạ đã tập trung phát triển các loài cây dược liệu ôn đới theo hướng hàng hóa và đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực. Một số loài cây dược liệu của Quản Bạ đã mang lại giá trị kinh tế cao và là sản phẩm OCOP đặc thù của huyện như: Thảo quả, Astiso, chè dây đắng…

Quản Bạ - Hà Giang: Phát triển các sản phẩm OCOP thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo

Bò vàng - sản phẩm OCOP đặc thù của huyện Quản Bạ

Với đặc thù là một huyện vùng cao núi đá, nguồn đất canh tác bị hạn chế nên Quản Bạ xác định phát triển chăn nuôi gia súc, trong đó chủ yếu là phát triển chăn nuôi bò, ngựa, dê… theo hướng hàng hóa là ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Thịt bò vàng của Quản Bạ là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh của Hà Giang. Vì vậy, trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo người dân tận dụng các nguồn đất còn bỏ hoang và chuyển các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi chăn nuôi gia súc, trong đó chủ yếu là chăn nuôi bò, ngựa, dê. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn gia súc. Nhờ đó, trong những năm gần đây, đàn gia súc của Quản Bạ đã được cải tạo nâng cao tầm vóc, thể trạng, giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất và chất lượng các loại thịt gia súc.

Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Hạng Dương Thành cho biết: Chương trình Phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của huyện và là tiền đề quan trọng giúp huyện xây dựng thành công nông thôn mới. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP của huyện cũng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Phạm Văn Phú, Báo Công Thương


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.626
Hôm qua : 4.173
Tháng 05 : 51.962
Năm 2024 : 351.376