A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng viên trẻ với mô hình nuôi dê thương phẩm

Đảng viên Đặng Văn Hồng tại thôn Nghè, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình là một trong những đảng viên đi đầu và thành công với mô hình nuôi dê thương phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế và nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Trước đây, anh Hồng từng làm ruộng, chăn nuôi gà, vịt... nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đạt hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình làm ăn, số tiền anh dành dụm được lần lượt “Đội nón ra đi”. Nhận thấy quỹ đất gia đình sẵn có cùng các điều kiện khí hậu, đất đai, giao thương thuận lợi với các xã, huyện bạn. Ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương vẫn thôi thúc anh tiếp tục đi khắp nơi học hỏi các mô hình chăn nuôi thành công. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng đi mới, năm 2017 anh Hồng quyết định tìm tòi, học hỏi và bắt đầu khởi nghiệp với 05 con dê giống cái sinh sản, vì nuôi dê ít tốn vốn đầu tư, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian lao động nông nhàn, đặc biệt là giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác. Bên cạnh đó, anh trồng thêm 06ha cây keo và hơn 500 gốc cam Sành và cam Vinh. Đến nay, sau gần 03 năm, anh Hồng đã cho lai tạo và sinh sản, với tổng đàn dê hiện tại lên đến 70 con, phát triển thành trang trại nuôi dê để cung cấp nguồn dê thịt và dê giống ra thị trường. Anh Hồng cho biết dê cân nặng từ 16-30kg/con là có thể xuất chuồng; 06 tháng xuất bán được một lứa, giá dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg. Tổng thu nhập mỗi năm từ trại dê của anh lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, anh còn tận dụng phân dê để làm phân bón chăm sóc cho cây cam; kết hợp chăn nuôi lợn đen, nuôi gà lấy thịt, mô hình đang hoạt động có hiệu quả và đem đến nhiều kết quả đáng mừng. Theo anh Hồng chia sẻ: “Bà con trong xã muốn khởi nghiệp chăn nuôi dê không khó, tuy nhiên cần lưu ý đến nguồn thức ăn tại địa phương có phong phú không, khi thu cắt nguồn thức ăn về cho dê cần quan tâm đến các khu vực phun xịt thuốc bảo vệ thực vật; phải biết nắm bắt khoa học kỹ thuật ứng dụng vào chăn nuôi; cần có diện tích thâm canh trồng cỏ để chủ động được nguồn thức ăn quanh năm; anh cũng nhận cung cấp và hỗ trợ giống cho bà con nhân dân trên địa bàn xã khi có nhu cầu chăn nuôi dê thương phẩm, phát triển kinh tế hộ gia đình.... Được biết hiện nay tại địa bàn xã đã có rất nhiều hộ nuôi dê, bình quân cứ 10 nông hộ thì có đến 06 hộ nuôi dê và thực sự đã mang lại nguồn kinh tế khá ổn định, giải quyết việc làm và nhiều hộ thoát nghèo từ nuôi dê.

Để có thành công ngày hôm nay, anh Đặng Văn Hồng không chỉ cần cù chịu khó chăn nuôi mà còn là người tiên phong tại xã Hương Sơn, biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội lập tài khoản trên facebook nhằm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và thông tin thị trường. Qua kênh thông tin này đã giúp cho gia đình anh cũng như nông dân chăn nuôi dê tại địa bàn có được nhiều kinh nghiệm, thông tin bổ ích và đầu ra sản phẩm phong phú hơn.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.158
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.942
Năm 2024 : 513.288