A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư duy chính trị Hồ Chí Minh - độc đáo, đậm dấu ấn bản sắc riêng

CTTBTG - Chính trị xuất hiện cùng với sự phân chia xã hội thành các giai cấp và hình thành nhà nước. Đây là một khái niệm có nội hàm rộng, phức tạp, có nhiều cách hiểu, cách định nghĩa khác nhau. Bài viết tập trung phân tích tư duy chính trị Hồ Chí Minh vừa trung thành với lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa độc đáo, đậm dấu ấn bản sắc riêng.

Tư duy chính trị Hồ Chí Minh - độc đáo, đậm dấu ấn bản sắc riêng

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị tổ chức họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu TTXVN

1. Hồ Chí Minh trung thành với lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin

Khái niệm tư duy khoa học khách quan về chính trị và nghiên cứu chính trị được bắt đầu từ thuật ngữ Hy Lạp “Politica” (có nghĩa là những công việc liên quan tới nhà nước, nghệ thuật quản lý, cai trị, thực thi quyền lực của nhà nước).

Cũng có thể hiểu, chính trị là toàn bộ tư tưởng, lý luận, tổ chức liên quan đến những hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước, sự đấu tranh giai cấp nhằm giành địa vị thống trị trong nước và đến quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các quốc gia với nhau.

Một cách tiếp cận khác cho thấy, chính trị thuộc về chủ trương, đường lối của một chính đảng nhằm giành chính quyền hoặc điều khiển bộ máy nhà nước để phục vụ quyền lợi của giai cấp mà chính đảng đó là đại diện. Bàn về chính trị, các quan niệm đều bắt nguồn từ quan hệ về lợi ích giữa các giai cấp, các nhóm xã hội, các quốc gia dân tộc, mà cơ bản nhất là lợi ích kinh tế. Có thể nói, quan hệ giai cấp và vấn đề quyền lực nhà nước là hai vấn đề cơ bản nhất của chính trị.

Có thể khái quát những nội dung cơ bản trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin là xuất phát từ nhận thức tổng quan về chính trị nêu trên. Trong di sản của mình, V.I.Lênin nhấn mạnh, tổ chức chính quyền - bộ máy nhà nước là vấn đề quan trọng nhất của chính trị, điều này được hiểu chính trị là sự tham gia hoạt động của cá nhân hay tập thể vào công việc của nhà nước, định hướng cho nhiệm vụ, nội dung và các hình thức hoạt động của nhà nước. Chủ nghĩa Mác - Lênin nhấn mạnh các quan hệ chính trị về mặt bản chất là quan hệ giai cấp, hình thành nên thượng tầng kiến trúc của xã hội với các bộ máy, tổ chức để thực hiện hoạt động chính trị như, các đảng phái chính trị, nhà nước được xác định và tạo nên trên hạ tầng cơ sở kinh tế.

Như vậy, chính trị là phản ánh đấu tranh giai cấp, cuối cùng do địa vị kinh tế của các giai cấp đó quyết định. V.I.Lênin chỉ ra rằng, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, thay đổi và phát triển dựa trên cơ sở kinh tế, nhưng hoàn toàn không phải là kết quả bị động, tiêu cực của kinh tế. Thượng tầng kiến trúc sinh ra trên cơ sở hạ tầng kinh tế lại ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế. Đó chính là vai trò tích cực của chính trị đối với tất cả các vấn đề kinh tế, tổ chức và các vấn đề khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong đời sống xã hội có bốn vấn đề quan trọng là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Quan điểm của Người không tuyệt đối hóa chính trị và không phải phi chính trị, hoàn toàn đúng đắn theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin.

Học thuyết Mác - Lênin làm rõ quy luật phát triển xã hội, sự biến đổi xã hội từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu tiến lên công - nông nghiệp hiện đại, khoa học - kỹ thuật tiên tiến, đó là kết quả của đường lối chính trị đúng đắn. Những thành quả chính trị đối ngoại là sự kế tục của thành quả chính trị đối nội.

Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ, chính trị vừa là lĩnh vực hoạt động thực tiễn có tính đặc thù vừa là lĩnh vực khoa học. Hai phương diện này gắn bó mật thiết với nhau, không thể tách rời, chỉ nhấn mạnh hoạt động thực tiễn mà xem nhẹ tính chất khoa học của chính trị sẽ không thấy được căn cứ của hoạt động chính trị, giành, giữ chính quyền, quản lý nhà nước. Nghệ thuật đó hoàn toàn không phải là ý muốn chủ quan mà dựa trên kết quả nghiên cứu chính xác, khoa học, nhận thức, hiểu biết sâu sắc về những quy luật khách quan của tiến trình phát triển xã hội, vì lợi ích của xã hội. Có lúc, cụm từ “thủ đoạn chính trị” được hiểu theo nghĩa rộng là phương pháp và cách thức vận dụng, xử lý quan hệ trong mỗi giai đoạn nhất định của lịch sử. Tuy nhiên, “nghệ thuật” hay “thủ đoạn” chính trị luôn dựa trên cơ sở của tri thức khoa học về chính trị, của tìm tòi, tổng kết thực tiễn nghiên cứu khoa học, lý luận. Ngược lại, chỉ có nghiên cứu, hiểu biết, nắm vững lý luận và các quy luật khách quan của chính trị mà không vận dụng trong hoạt động chính trị thực tiễn thì cũng chỉ là lý luận suông, là “cái hòm đựng sách”.

Tìm hiểu tư tưởng, lý luận, tổ chức chính trị trong di sản Hồ Chí Minh cần phải khẳng định cái trục, sợi chỉ đỏ xuyên suốt là chủ nghĩa Mác - Lênin. Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh dẫn lại câu nói của V.I.Lênin khẳng định, “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”(1). Cũng trong tác phẩm lý luận mở đường đó, Người chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(2), Người nhấn mạnh: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3).

Từ khi bắt gặp lý luận của V.I.Lênin, Người luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam, là cẩm nang, mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã lãnh đạo toàn dân vùng lên xóa bỏ ách thống trị của thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong quá trình tổ chức bộ máy, chính quyền nhà nước, định hướng hoạt động của Nhà nước với các nhiệm vụ, nội dung cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người luôn kiên định bản chất giai cấp công nhân, đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ trong đấu tranh giai cấp, mà cả trong quá trình hình thành và điều chỉnh các mối quan hệ giữa các giai cấp, các quốc gia, các dân tộc và các lực lượng xã hội.

Hồ Chí Minh xác định con đường cách mạng Việt Nam là, sau khi chính quyền về tay nhân dân, chúng ta phải xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, quá độ lên CNXH. Cuộc cách mạng XHCN là “một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Chúng ta phải dần dần tập thể hóa nông nghiệp. Chúng ta phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân, đối với thủ công nghiệp. Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”(4).

Với câu hỏi “muốn tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, muốn giải quyết tốt những vấn đề đó, chúng ta phải làm gì?”, Người muốn chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Theo Người, “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng”(5).

Kiên định, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, chỉ sau 15 năm ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa thành công; 9 năm giữ vững, củng cố được chính quyền dân chủ nhân dân, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong 10 năm cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho CNXH (từ năm 1954-1964), “dưới chính quyền của nhân dân, 17 triệu đồng bào ta ở miền Bắc đều đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng đất nước, xây dựng một đời sống mới, tăng cường lực lượng về mọi mặt. Những thành tích to lớn của miền Bắc ngày càng tỏ rõ chế độ xã hội chủ nghĩa là rất tốt đẹp và đang cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam... Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa thừng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”(6).

2. Tư duy chính trị Hồ Chí Minh đậm dấu ấn bản sắc riêng

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là kết quả của đường lối chính trị đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo học thuyết Mác - Lênin, đồng thời mang dấu ấn đặc sắc của cá nhân Hồ Chí Minh. Điều này dễ hiểu vì chính trị - ngoài cái nhìn tổng thể - luôn luôn được xem xét trong không gian, thời gian và môi trường nhất định. Thực tế cho thấy, hoạt động trong một không gian và thời gian như nhau nhưng không phải ai cũng có được nhãn quan chính trị mang diện mạo, sắc thái riêng.

Cách nghiên cứu của Hồ Chí Minh không phải học thuộc lòng từng câu từng chữ, ngược lại đạt đến độ “thực tiễn hóa lý luận” và “lý luận hóa thực tiễn”. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi năm 1917 đến với hàng triệu người trên thế giới, nhưng Hồ Chí Minh là số ít trong những nhân vật đặc biệt, hiếm thấy, nhận thức được tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của cuộc cách mạng ấy. Hồ Chí Minh tiếp nhận tri thức chính trị chủ yếu bằng khát vọng giải phóng dân tộc và phát triển từ nhu cầu của thực tiễn đất nước và nhân dân Việt Nam.

Từ hoạt động chính trị của bản thân, Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên cách nhìn nhận và hoạt động chính trị. Người viết: “Các chú dạy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho mọi người hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là thế nào không? Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác -Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác... Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được... Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất”(7).

Một trong những quan niệm chính trị đặc sắc nhất của Hồ Chí Minh là coi đoàn kết và đạo đức cách mạng là hạt nhân của chính trị. Người viết: “Tóm lại chính trị là:

1. Đoàn kết.

2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”(8).

Đoàn kết đã có trong di sản của Mác - Lênin, nhưng đoàn kết là một khía cạnh chính trị - mà đặc biệt là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” thì hoàn toàn mang dấu ấn, cốt cách Hồ Chí Minh. Đây là một tư duy chính trị độc đáo thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về “Giai cấp vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!” và “Giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”.

Tư duy chính trị này xuất phát từ thực tiễn Việt Nam khi mâu thuẫn dân tộc, một bên là toàn thể dân tộc Việt Nam và một bên là bọn xâm lược và tay sai bán nước - là mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của nước Việt Nam thuộc địa. Mặt khác, ở Việt Nam giai cấp tư sản dân tộc có xu hướng chống đế quốc và yêu nước, là lực lượng xây dựng CNXH.

Theo Hồ Chí Minh, xây dựng CNXH không phải chỉ là vấn đề giai cấp mà còn là vấn đề dân tộc; không phải là sự nghiệp riêng của công, nông mà là sự nghiệp chung của toàn dân tộc. Muốn xây dựng thành công CNXH phải ra sức phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chỉ có xây dựng thành công CNXH mới tăng cường được sức mạnh dân tộc, giữ vững độc lập dân tộc.

Đạo đức đã được C.Mác, đặc biệt V.I.Lênin đề cập nhiều. Tuy nhiên, quan niệm chính trị là đạo đức lại là dấu ấn Hồ Chí Minh. Từ khi Đảng ta chưa ra đời, Hồ Chí Minh luôn trăn trở nhiều về vấn đề đạo đức. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người đã đề cập,

“Vị công vong tư.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Nói thì phải làm.

Giữ chủ nghĩa cho vững.

Hy sinh.

Ít lòng tham muốn về vật chất”(9)

Khi viết chính trị là thanh khiết, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(10). Trong Di chúc, Người căn dặn sâu sắc vấn đề đạo đức: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(11).

Hồ Chí Minh đề cao, nhấn mạnh đạo đức trong chính trị mang tầm vóc và ý nghĩa sâu xa ở chỗ hoạt động chính trị mà không quan tâm, tu dưỡng, trui rèn đạo đức thì chính trị sẽ bị tha hóa và gắn với đó là tha hóa quyền lực. Điều này được Người cảnh báo từ sớm, xuyên suốt, nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đặc biệt khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền.

Nửa tháng sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Đảng nắm quyền, trong Thư gửi Ủy ban các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người đã chỉ ra những lỗi lầm rất nặng nề như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Cuối thư, Người nhấn mạnh: “Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “Công bình, chính trực” vào lòng”(12). Những năm tiếp theo, cùng với thời gian cầm quyền của Đảng, Người càng lo nghĩ tới việc làm trong sạch quyền lực của Đảng bằng cách giữ vững đạo đức cách mạng. Người viết: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(13). Giải quyết mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức là suy nghĩ thường trực của Hồ Chí Minh. Người viết: “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””(14).

Theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rằng “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c, này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”(15). Người chỉ rõ, dân tộc ta anh hùng, Đảng ta vĩ đại, con người Việt Nam thủy chung, nhân đức, mà điều căn cốt nhất là nhờ có đạo đức chí công vô tư, mình vì mọi người. Nếu không giữ được đạo đức trong sáng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, không thể hiện được Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” thì mọi vinh quang sẽ trở thành vô nghĩa. Người viết: “Từ nay về sau, nhân dân ta và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy. Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(16).

Để hiểu rõ hơn dấu ấn đặc biệt trong quan niệm và hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh, một vấn đề đặt ra là, chính trị với tư cách hoạt động của cá nhân Hồ Chí Minh nhằm mục đích gì? Ở tầm vĩ mô, câu trả lời rõ ràng là nhằm giúp cho giai cấp công nhân chiếm được quyền lực nhà nước và sau đó là quá trình giữ, củng cố và sử dụng quyền lực đó để thực hiện ý chí và lợi ích của giai cấp cầm quyền. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc và chỉ có giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp công nhân một cách triệt để.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ít nói chính trị từ phương diện khoa học, lý luận mà thường đề cập cụ thể, rõ ràng mục đích hoạt động chính trị của mình, “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(17). Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”(18). Khái quát hơn, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(19).

Với mục đích làm cho đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành nên “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”(20). Trong sự nghiệp cách mạng, Người luôn đề cao vai trò, vị trí của nhân dân - đồng bào với tư cách là một trong các chủ thể chính trị. Về mặt tổng quan, điều này thuộc nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Về mặt ứng dụng thực tiễn thì đây là một nét đặc sắc, độc đáo trong tư duy và hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh.

Đưa chính trị vào giữa nhân dân là một kiểu chính trị đời thường, việc gì cũng xuất phát từ nhân dân, vì nhân dân, “việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên””(21). Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra từ nhân dân, sống và hoạt động trong lòng dân, lo nỗi lo của dân, vui cùng dân, suốt đời gắn bó với nhân dân. Người rút ra: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(22).

Trên cơ sở nhận thức dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được; dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên, Hồ Chí Minh có một quan niệm và hoạt động chính trị mang bản sắc riêng. Người viết: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(23).

Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm chính trị Hồ Chí Minh theo tinh thần “nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”(24). Dưới góc nhìn đạo đức trong chính trị, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức để “chống tha hóa quyền lực”(25); thắt chặt hơn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tiếp cận chính trị là đoàn kết để tăng cường lực lượng cách mạng trong xây dựng CNXH, Đảng ta chỉ rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(26).

Những luận giải trên cho thấy, dù thế giới và đất nước đổi thay, nhưng quan điểm và hoạt động chính trị Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, mở đường đổi mới, soi sáng tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại.

_________________

 

 

(1), (2), (3), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.279, 304, 289, 280.

(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.91-92, 92.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.272-273-275.

(7), (11), (15), (16), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.668-669, 622, 670, 627, 614.

(8), (10), (13), (20), (21), (22), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.75, 74-75, 122, 338, 338, 335, 337-338.

(12), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.66, 187, 272.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.127.

(24), (25) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.184, 198.

(26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158.

PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Nguồn: Tạp chí Lý luận Chính trị
Thống kê truy cập
Hôm nay : 138
Hôm qua : 3.164
Tháng 04 : 95.883
Năm 2024 : 284.223