A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ lời hứa

CTTBTG - Ngồi đọc lại chồng báo cũ viết về việc cán bộ xã X. hẹn gặp dân để giải quyết vấn đề giải tán trường học nhưng khi dân đến, trụ sở ủy ban lại khóa, không có ai; rồi vụ cán bộ xã Y. thất hứa 14 năm mới làm lại sổ đỏ cho 3 hộ dân, ông tôi chẹp miệng nói: “Cán bộ thế này có chết không, bảo sao chỗ nọ, chỗ kia dân cứ mất lòng tin”. Thấy chúng tôi đang loay hoay tìm câu chuyện cho cuộc thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông tôi bảo: “Sao không kể về việc Bác Hồ giữ lời hứa?”

Bác Hồ và các em thiếu nhi 

Nghe ông gợi ý, tôi chợt nhớ đến câu chuyện Bác Hồ hứa mua cho một em bé chiếc vòng bạc trong một chuyến đi công tác. Sau hơn 2 năm trở về, dù mọi người đã quên nhưng Bác vẫn nhớ và thực hiện lời hứa ấy. Không chỉ gương mẫu thực hiện, Bác còn thường xuyên nhắc nhở mọi người phải giữ lời hứa, nhất là cán bộ, đảng viên. Trong bài viết “Cán bộ tốt và cán bộ xoàng”, đăng trên Báo Sự thật ngày 15-6-1947, Bác viết: “Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng mỹ mãn” (1).

Giữ lời hứa chính là giữ chữ tín. Đầu tiên là giữ chữ tín với bản thân, sau đó là với người khác. Cán bộ càng phải chú ý việc giữ lời hứa, giữ chữ tín với nhân dân. Đã nói là làm và phải được bảo đảm từ việc nhỏ nhất, chứ đừng hứa suông rồi không thực hiện. Đây chính là cách thể hiện sự coi trọng, đề cao lòng tin của người khác với bản thân mình, đồng thời, thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm của bản thân trong công việc cũng như các mối quan hệ xã hội.

Giữ lời hứa là một phẩm chất tốt đẹp cần phải gìn giữ và trân trọng, bởi suy cho cùng, nó chính là một biểu hiện của đạo đức. Một công dân tuyên bố lời hứa thì đó là đạo đức cá nhân, một vị lãnh đạo tuyên bố lời hứa thì đó là đạo đức tập thể. Người không giữ lời hứa thì khó có một nhân cách hoàn chỉnh, lãnh đạo không giữ lời hứa thì tập thể khó vững mạnh.

Như câu chuyện cán bộ xã thất hứa với dân, một vị lãnh đạo thất hứa khiến nhân dân hoài nghi, mất lòng tin vào cả tập thể cán bộ, từ đó sinh ra sự miễn cưỡng, đối phó trong việc chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, cũng như việc thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân.

Niềm tin của nhân dân với hệ thống chính trị là vô cùng quan trọng. Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta xác định nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(2). Hơn lúc nào hết, chúng ta hiểu rằng niềm tin của dân chính là sức mạnh của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân chính là điều kiện để tăng cường sức mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, giúp Đảng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước. Chính bởi đề cao, coi trọng niềm tin của nhân dân, trước mỗi nhiệm kỳ mới, các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước đều thực hiện nghi lễ tuyên thệ. Trước toàn thể Quốc hội và nhân dân cả nước, lãnh đạo đưa ra lời hứa và quyết tâm thực hiện lời hứa của mình để xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, sự tin tưởng của nhân dân.

Thiết nghĩ, không chỉ các lãnh đạo cấp cao, mà mỗi cán bộ ở các ngành, các cấp đều nên tự tuyên thệ và có trách nhiệm với chính lời hứa của mình. Đã nói là phải làm, làm cho hết sức, hết mình, không thất hứa, bởi “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Giữ lời hứa khó, nhưng đã giữ được rồi thì làm việc gì cũng dễ. Thất hứa dễ, nhưng sau đó làm việc gì cũng khó./.

GIANG NGUYỄN

--------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 167
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 334


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.997
Hôm qua : 4.009
Tháng 05 : 60.946
Năm 2024 : 360.360