Phong cách nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên
CTTBTG– Phong cách nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới những dấu ấn rất đặc biệt. Đó là giá trị trường tồn của văn hóa Việt, trong các bước phát triển của dân tộc Việt Nam cũng như Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vì lẽ đó, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức việc học tập và làm theo phong cách nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm là trách nhiệm, là nghĩa vụ và cũng là cơ hội để mỗi chúng ta hoàn thiện bản thân mình, bồi dưỡng nhân cách sống, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt đẹp, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Nhân dân Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng chuẩn mực con người mới xã hội chủ nghĩa và trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đó, việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh nói chung và phong cách về nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm của Người nói riêng là việc làm hết sức cần thiết, trở thành một yêu cầu, nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; là việc làm thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, góp phần làm chuyển biến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên (CBĐV) công chức, viên chức (CCVC) trên tất cả các mặt công tác; đồng thời, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi lan tỏa, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội.
Thứ nhất, phong cách nêu gương. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm. Người nói: đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”1. Theo Người, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm trên ba mối quan hệ chủ yếu: đối với mình, đối với người, đối với việc.
Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người phải luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc thì dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư), đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc nêu gương và suốt cuộc đời Người luôn làm gương trong mọi công việc. Người thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiền bạc. Khi đất nước cực kỳ khó khăn, Người kêu gọi tiết kiệm và thực hiện tự giác, không khiên cưỡng. Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”2.
Thứ hai, phong cách thực hiện kỷ cương. Người là tấm gương mẫu mực về thượng tôn pháp luật. Không chỉ lấy đạo đức để giáo dục mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng ban hành các quy định pháp luật để xử lý các hành vi sai lệch. Người rất kiên quyết với những hành vi vi phạm pháp luật và trừng trị nghiêm khắc dù kẻ phạm tội ở cương vị nào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người từng y án tử hình Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham ô, lợi dụng xương máu của anh em chiến sĩ để lo việc cá nhân. Trường hợp thứ hai, năm 1964, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng vì có quan hệ ngoài hôn nhân mà đầu độc vợ, Người đã quyết định y án tử hình.
Thứ ba, phong cách nêu cao trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ra đi tìm đường cứu nước, mang theo hoài bão, khát vọng giành lại nền độc lập cho Tổ quốc, Người xác định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”3. Cuộc đời Hồ Chí Minh không có gì khác là sự thống nhất giữa mục tiêu, lý tưởng và hành động.
Trong quan hệ với Nhà nước và Nhân dân, Hồ Chí Minh nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đó là nhận sự ủy thác của quốc dân, đồng bào, hoàn thành trách nhiệm được Tổ quốc giao phó. “Cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”4 nhằm làm cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”5; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới…
Trong lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng nhận trách nhiệm trước quốc dân đồng bào. Trong Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành, sau khi nêu những khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong việc đoàn kết nông thôn, việc đánh kẻ địch, việc chấn chỉnh tổ chức, trong chính sách thuế nông nghiệp. Người viết: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”6. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm, không né tránh, thay mặt Đảng, Nhà nước xin lỗi Nhân dân.
Nêu gương, kỷ cương và trách nhiệm là ba thành tố có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ cho nhau; thực hiện tốt vấn đề này là cơ sở, đồng thời cũng là kết quả của vấn đề kia. Mỗi CBĐV CCVC thực hiện tốt việc nêu gương sẽ chấp hành nghiêm kỷ luật, góp phần siết chặt kỷ cương và luôn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt kỷ cương, chấp hành nghiêm điều lệ, quy chế, chỉ thị, quy định… cũng là biểu hiện cụ thể của việc thực hiện nêu gương, đồng thời cũng là cơ sở góp phần cho mỗi CBĐV CCVC hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi CBĐV CCVC luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị, chức trách, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương sẽ là những tấm gương sáng cho tập thể noi theo, làm cho việc thực hành nêu gương theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một hiệu quả. Chính vì vậy, mỗi CBĐV CCVC không chỉ thực hiện tốt việc nêu gương mà cần phải đề cao kỷ cương và nêu cao trách nhiệm.
Những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương, quy định về kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm nên đã tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của CBĐV CCVC và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều CBĐV CCVC đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm.
Tuy nhiên, một bộ phận CBĐV CCVC, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong CBĐV CCVC và Nhân dân. “Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.432 cấp ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý)”7.
Để góp phần rèn luyện phong cách nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, quán triệt và thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Đảng về công tác cán bộ, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của mỗi CBĐV về nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm theo phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải làm nổi bật giá trị to lớn của phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Công tác tuyên truyền, giáo dục tập trung nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đẩy mạnh thực hiện nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, đề cao vai trò trách nhiệm của mỗi CBĐV CCVC về thực hiện nêu gương mọi lúc, mọi nơi, cả trong thực hiện nhiệm vụ và trong sinh hoạt đời thường.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải được xác định phù hợp với đặc điểm, loại hình cơ quan, đơn vị và trình độ nhận thức, cương vị, chức trách của CBĐV CCVC. Lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục ở các cơ quan, đơn vị hướng đến mục tiêu làm cho việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm trở thành việc làm hằng ngày, là tình cảm, trách nhiệm của mỗi tổ chức và cá nhân.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện và chấp hành nghiêm các quy định, quy chế về nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm. Quy định, quy chế ở các cơ quan, đơn vị là hệ thống văn bản mang tính pháp quy, là biểu hiện của việc thực hiện nề nếp, kỷ cương, là một trong những căn cứ cơ bản để điều chỉnh hoạt động của tập thể và cá nhân theo phạm vi nhất định. Việc xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các quy chế, quy định là một trong những giải pháp cơ bản có ý nghĩa quan trọng. Cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị phải cụ thể hóa pháp luật, chỉ thị, quy định… vào nghị quyết, quy chế, chương trình, kế hoạch của cấp mình; bảo đảm cho mọi quy định phải hướng đến lợi ích chung và vì sự kỷ cương, vững mạnh của tập thể; thực hiện kỷ cương, đề cao kỷ luật nhưng không làm cho cơ quan, đơn vị trở nên căng thẳng, khô cứng, mà phải duy trì kỷ luật gắn với tăng cường tình đoàn kết, thương yêu, sẻ chia, tạo nên bầu không khí dân chủ, phấn khởi.
Mỗi CBĐV CCVC phải nêu cao trách nhiệm trên từng cương vị công tác. Khi thực hiện nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trực tiếp theo chức trách, nhiệm vụ quy định và trực tiếp chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được phân công; gặp khó khăn phải kịp thời báo cáo với cấp trên, với tập thể. Sau từng thời kỳ, từng nhiệm vụ phải rút kinh nghiệm về kết quả thực hiện, đồng thời xem xét, quy trách nhiệm rõ ràng.
Thứ ba, phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy và CBĐV CCVC nhất là người đứng đầu trong thực hành nêu gương, chấp hành kỷ cương, đề cao trách nhiệm. Việc thực hành nêu gương của CBĐV CCVC phải theo phương châm “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau, học đi đôi với làm theo”8; cấp ủy nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng, cấp trên nêu gương cho cấp dưới. Cấp ủy viên phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức và năng lực; gương mẫu đi đầu trong quán triệt và chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định; thực hiện nói và làm theo nghị quyết… Cấp ủy viên phải nêu gương cho đảng viên và quần chúng mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực; phải thực sự là tấm gương sáng để đảng viên và quần chúng noi theo. Kiên quyết chống các biểu hiện “chủ trương một đằng, thực hiện một nẻo”; tự cho mình đặc quyền, đặc lợi trái với quy định và các biểu hiện cục bộ, bè phái, gia trưởng, xa rời cấp dưới, xa rời quần chúng.
Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tận tụy với công việc; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; quan tâm giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Cần phải biết khiêm tốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, của quần chúng, của cấp dưới, từ đó chuyển thành nhận thức và hành động tự giác. Cùng với đó, CBĐV CCVC cần nêu gương về lập trường quan điểm, kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thứ tư, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra đảng các cấp xác định nội dung lãnh đạo, tổ chức học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm trong kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp mình; đồng thời có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện vấn đề này đối với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc.
Tiến hành kiểm tra cụ thể việc thực hành nêu gương của cấp ủy viên, người đứng đầu và CBĐV CCVC; kiểm tra việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của tập thể và các cá nhân; kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm trên từng cương vị chức trách. Duy trì nghiêm túc, đầy đủ chế độ kiểm tra của người đứng đầu đối với việc thực hiện các chỉ thị, quy định, kế hoạch gắn với nội dung nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm tại cơ quan, đơn vị; chú trọng kiểm tra việc thực hiện nêu gương, chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước… Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về việc nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm của CBĐV CCVC gắn với tổ chức sơ, tổng kết của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể cơ quan, đơn vị… Thông qua việc sơ kết, tổng kết phải đánh giá khách quan, cụ thể kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, rút ra kinh nghiệm kịp thời và đề ra phương hướng, giải pháp tổ chức thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Thường xuyên phát hiện, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, nhất là những tấm gương điển hình về thực hành nêu gương; từ đó nhân rộng, lan tỏa thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, làm cho việc nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm trở thành một phương châm sống, một việc làm thường nhật của mỗi người, góp phần hoàn thiện phẩm chất, nhân cách người CBĐV.