A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền trong bối cảnh hiện nay

CTTBTG - Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết cổ truyền có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân và toàn thể dân tộc Việt Nam bởi những giá trị, triết lý nhân văn, nhân bản cao đẹp mà ông cha đã sáng tạo, vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ, trở thành điểm tựa, sức mạnh tinh thần giúp cá nhân, cộng đồng, dân tộc vượt qua những cam go, thử thách, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Theo nghĩa Hán - Việt, Nguyên đán (Nguyên -cái đầu tiên, khởi đầu; đán là ánh mặt trời mới mọc) có nghĩa là ngày đầu tiên nhìn thấy mặt trời mọc hay còn gọi là buổi rạng đông của sự khởi đầu. Buổi sáng đầu tiên của một năm có ý nghĩa linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp với những khát vọng, mong ước của con người về năm mới dồi dào sức khoẻ, vạn sự an lành, hanh thông, may mắn. Tết Nguyên đán diễn ra vào mùa xuân - một trong những mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự sinh sôi, nảy nở; đất trời, lòng người giao hoà.

Với người Việt, Tết vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Gần gũi vì Tết là một sinh hoạt văn hóa mỗi năm một lần, gắn liền với những bước đường đời của con người ngay từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tết như cánh cửa thời gian khép lại một năm cũ qua đi để đón chào một năm mới với những rộn ràng, bâng khuâng, mong nhớ. Tết cũng là quãng thời gian mà mỗi cá nhân được bồi đắp thêm những tri thức, kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống lịch sử - văn hóa, những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thông qua những trải nghiệm, thực hành văn hóa cùng ông bà, cha mẹ, người thân.

Ảnh minh họa

Ngày nay với nhịp sống đô thị hiện đại, quá trình hội nhập toàn cầu, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, internet, mạng xã hội đã tác động lớn đến suy nghĩ, lối sống của mỗi người về cách đón Tết. Nhiều gia đình, làng xóm, khu phố đã có sự thích ứng linh hoạt với sự kết hợp hài hoà giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp của văn hóa cổ truyền, đồng thời không ngừng cải biến, thay đổi những yếu tố, những giá trị đã trở nên bất cập, lạc hậu như đốt vàng mã cũng đã được nhiều người hạn chế và thay đổi để bảo vệ môi trường và tránh lãng phí; nhiều bạn trẻ hiện nay, Tết đến, họ không chỉ dành sự quan tâm đến việc “ăn Tết” mà còn chú ý, dành nhiều thời gian cho việc “chơi Tết”, “thưởng Tết”, du xuân.

Tuy nhiên trong bối cảnh mới, nếp nghĩ mới của không ít người cũng đã và đang tác động trái chiều đến Tết cổ truyền; không ít bạn trẻ hờ hững, thiếu mặn mà, quan tâm tới Tết; với họ Tết cổ truyền là cổ hủ, nhiều nghi lễ thủ tục rườm rà, vì thế Tết là dịp để họ “giải phóng cá nhân” bằng những chuyến đi chơi xa cùng bạn bè. Cùng với đó, không ít người lệ thuộc vào công nghệ, mải mê trong thế giới ảo với những mối quan hệ phức tạp mà lánh xa những giá trị văn hóa cổ truyền, hờ hững với cuộc sống thực tại; họ “họp chợ”, mua bán mặt hàng Tết trên mạng, cúng Tết online, livestream, xem bói, gieo quẻ trên những trang facebook cá nhân; lợi dụng tục lì xì để biếu xén, trao qua đổi lại như món nợ đồng lần...đã làm nhạt đi không khí của Tết cổ truyền.

Việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết cổ truyền sẽ tạo nền tảng tinh thần vững chắc, cổ vũ, động viên mỗi người không ngừng cố gắng vươn lên. Để mỗi khi Tết đến xuân về, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi cá nhân đều trào dâng những cảm xúc mãnh liệt với nỗi nhớ, niềm mong được trở về quê hương, làng xóm; để biết ơn tổ tiên, nguồn cội; để tìm lại những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ, để được đáp đền công ơn dưỡng dục, sinh thành của ông bà, cha mẹ; để gặp lại những người thân yêu nhất; để nghe tiếng quê hương; thưởng thức hương vị Tết quê nhà. Trở về với Tết là để trải nghiệm không khí xuân với những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp để sống và cống hiến ngày càng tốt hơn cho đất nước, dân tộc.

Lê Thanh Quỳnh


Tác giả: Lê Thanh Quỳnh
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.737
Hôm qua : 3.189
Tháng 04 : 100.671
Năm 2024 : 289.011