A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Mèo Vạc đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh vùng cao gắn với nhu cầu của xã hội

CTTBTG - Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh ở huyện vùng cao Mèo Vạc có vai trò quan trọng, là một hoạt động không thể thiếu được ở các đơn vị trường nhằm giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp và chính bản thân học sinh để có thể định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp. Thực tế cũng cho thấy hiện nay học sinh của huyện Mèo Vạc đã, đang thực hiện việc vừa học vừa làm tại một số đơn vị trường trong và ngoài tỉnh bước đầu có những kết quả khả quan.

 Tại Trường Cao đẳng Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, một đơn vị chuyên đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật  - Kinh tế công nghiệp với 17 ngành nghề gồm các chuyên ngành chủ yếu: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ cơ khí động lực, Điện tự động hoá, Công nghệ kỹ thuật điện, công nghệ kỹ thuật điện tử, Công nghệ thông tin, công nghệ May, công nghệ thiết kế  thời trang, kế toán...Nhờ công tác phối hợp tuyên truyền với UBND huyện Mèo Vạc, hiện nay nhà trường có 200 em học sinh Mèo Vạc đang theo học. Hầu hết các em học tập ở đây đều được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định. Đặc biệt quá trình học tập các em vừa học vừa làm nên nhiều em đã có thu nhập ổn định. Em Vàng Thị Dúa, xã Sủng Trà huyện Mèo Vạc chia sẻ: Được các thầy, cô ở xã giới thiệu, em đăng ký xuống học tập tại trường đã được 2 năm. Buổi sáng chúng em đi học, còn buổi chiều thì đi làm thêm ngay tại trường. Hàng tháng cũng gửi được 1-2 triệu về cho bố mẹ ở nhà. Chúng em cảm thấy rất yên tâm khi theo học ở đây.

 Lãnh đạo huyện Mèo Vạc thăm hỏi, trao quà động viên học sinh, sinh viên là người Mèo Vạc đang học tập tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp Thái Nguyên

Thời gian qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã chuyển dần theo hướng phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội, nhờ đó đã tác động tích cực đến việc lựa chọn học nghề của học sinh. Tỷ lệ học sinh cấp THCS và THPT đăng ký học nghề có xu hướng ngày càng tăng lên. Đặc biệt sau khi tốt nghiệp bậc THCS các em cũng đã mạnh dạn đăng ký tham gia học tập tiếp lên bậc THPT và học nghề tại tỉnh Thái Nguyên. Nhất là nhóm lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ luôn là ưu tiên hàng đầu của hầu hết học sinh Mèo Vạc. Em Hoàng Thị Huệ, xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc, học sinh lớp 12B4 Trường Cao đẳng Thương Mại và Du lịch Thái Nguyên cho biết: Em đang học lớp 12 ở đây, em rất thích học du lịch nên sau khi tốt nghiệp THPT em sẽ tiếp tục học tại trường. Sau này trở về quê hương bằng những kiến thức đã được học tập mình có thể cống hiến để nhiều người biết đến Mèo Vạc hơn.

Học sinh huyện Mèo Vạc trong giờ học môn pha chế tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên

Trong xu thế phát triển như hiện nay việc đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế, góp phần phát triển nhanh và bền vững kinh tế đất nước. Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nghề cần được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Các đơn vị trường nghề được học sinh Mèo Vạc quan tâm luôn phải đảm bảo “đào tạo kép”, gắn kết chặt chẽ việc thực học thực hành và trang bị cho học sinh, sinh viên nhiều kỹ năng mềm để thích ứng với môi trường làm việc công nghiệp hiện đại. Điều đó giúp nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo cơ hội cho HSSV có việc làm ngay sau khi ra trường. Tiến sỹ Dương Thị Hồng Yến, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương Mại và Du lịch Thái Nguyên chia sẻ.

Theo thống kê từ năm 2020 đến nay, huyện Mèo Vạc có hơn 1.000 học sinh đang trực tiếp học tập tại một số Trường cao đẳng nghề tại tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Thông qua công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh ngay từ bậc THCS đã từng bước giúp các em nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp.  Việc học tập theo mô hình vừa đào tạo vừa thực hành làm việc sẽ tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp khi các em lựa chọn con đường phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương Mèo Vạc. Đây cũng có thể xem là một trong những những chuyển biến tích cực. Qua đó, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục và giúp học sinh nơi vùng khó có lựa chọn đúng đắn về ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường và nhu cầu lao động hiện nay.


Tác giả: Minh Đức
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 118
Hôm qua : 3.604
Tháng 05 : 54.058
Năm 2024 : 353.472