A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lớp học “đặc biệt” ngày dạy trẻ đêm dạy già

CTTBTG - Không đồng đều về lứa tuổi, mỗi người một gia cảnh khác nhau nhưng ở tất cả họ đều có chung một ước mơ được biết chữ. Hiểu được mong muốn đó, lớp học “xóa mù chữ” đã được mở ra dành cho bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Vị Xuyên.

Khi ánh nắng chiều tắt, xẩm tối cũng là lúc các chị, các ông, các bà sắp xếp xong xuôi việc nương rẫy, bếp núc để cùng nhau đến lớp học chữ. Tại điểm trường thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn những tiếng đánh vần ê a,  phép làm toán cộng, trừ vang lên giữa không gian im ắng của núi rừng. Đó là âm thanh của lớp học xóa mù chữ do các thầy cô Trường PTDTBT Tiểu học A xã Thượng Sơn đứng lớp. Những đôi bàn tay chai sạn vốn chỉ quen cầm cuốc, tra ngô nay lại vụng về cầm bút tô từng nét chữ chưa tròn. Việc cầm bút đối với bà con dường như khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc làm rẫy hay thêu thùa, thế nhưng họ vẫn không ngừng cố gắng, bởi tất cả đều có chung một ước mơ là biết đọc, biết viết. Điều đặc biệt, trong số đó nhiều học viên ngoài 50 tuổi, mắt đã tèm nhèm vẫn khát khao đi học chữ. Dù 63 tuổi nhưng ông Đặng Văn Thiết lại là một trong những học viên tích cực nhất của lớp. Vượt hơn 5 km đoạn đường tối tăm, hiểm trở, mới thấu hiểu hết được những nỗ lực, cố gắng của những học viên này. Ngày ngày vất vả với đồng áng nhưng tối về, ông vẫn hăng hái đến lớp học với khát khao được biết chữ. Ngày trước, nhà nghèo quá nên không được đi học, không biết chữ, mọi giao tiếp của ông bị hạn chế, muốn quan tâm đến việc học hành của con cái cũng là điều không thể. Vì thế, khi biết lớp học này được mở, ông đã quyết tâm đi học để thoát khỏi cảnh mù chữ. Không những vậy, trong quá trình tham gia học tập trên lớp, ông còn được thầy cô dạy thêm nhiều kỹ năng sống, cách giao tiếp và tuyên truyền các Đường lối, Chính sách của Đảng, xóa bỏ các tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tang ma lâu ngày…nên không chỉ riêng ông mà ai ai cũng phấn khởi, vui mừng. Ông Thiết chia sẻ: “Từ trước đến giờ tôi chưa được học chữ lần nào đâu, bây giờ được học chữ thì chúng tôi biết chữ cũng vui mừng lắm tôi đã viết được tên mình, cũng biết tính toán một tý từ nay đi chợ bán con gà, con lợn đã biết tính toán, không sợ bị người ta bắt nạt nữa”.

Đa phần các học viên là những chị em phụ nữ lớn tuổi.

Lớp xóa mù tại Điểm trường thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn có tổng số 34 học viên, đa phần là chị em phụ nữ và đàn ông lớn tuổi chủ yếu là bà con người dân tộc Mông, Pà Thẻn và Dao, sử dụng nhiều ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau, nên việc dạy chữ lại càng gian nan hơn với các giáo viên tham gia đứng lớp. Lớp xóa mù chữ kéo dài 3 tháng, được duy trì đều đặn vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 5 trong tuần. Để duy trì sĩ số lớp học, các thầy cô cũng thường xuyên trao đổi với cán bộ thôn, cán bộ xã thực hiện tốt công tác dân vận giúp người dân tin tưởng, gần gũi, hiểu được việc học chữ rất có ích, từ đó họ sẽ xóa bỏ tâm lý e ngại, chịu khó đến lớp. Cùng với đó, vận động xin sách, vở, bút cho các học viên và hỗ trợ kinh phí theo Chủ trương của nhà nước để học viên đến lớp đầy đủ. Ban ngày lên lớp dạy trẻ, tối về lại xóa mù cho các bậc phụ huynh, nói về lớp học đặc biệt này, cô giáo Trịnh Thị Liên  Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học A xã Thượng Sơn vui vẻ chia sẻ rằng: “ Cả ngày dạy ở trường chính cũng rất nhiều áp lực và mệt mỏi. Nhưng khi đến lớp thấy bà con có mặt đầy đủ và tích cực học tập, bản thân tôi cảm thấy rất vui, bao mệt mỏi cũng tan biết hết. Chúng tôi cố gắng, kiên trì cùng bà con lao động, học tập để bà con đến được gần hơn với con chữ. Có rất nhiều trở ngại khi dạy lớp xóa mù, vì đa phần học viên lớn tuổi việc nhận biết mặt chữ rất khó khăn; những ngày đầu cầm bút còn cứng, nét chữ không rõ ràng. Hầu như học viên nào tôi cũng cầm tay rèn từng nét chữ. Khi tham gia lớp, tôi phải nghiên cứu, xây dựng phương pháp giảng dạy làm sao ngắn gọn, súc tích nhất để học viên dễ nắm bắt theo kiểu truyền thống chứ không theo chương trình sách giáo khoa cải cách vì theo chương trình mới bà con không theo được. Phần khác, để học viên không quên kiến thức, tôi vừa giảng bài mới vừa kết hợp ôn tập bài cũ; tổ chức các trò chơi, đặt câu hỏi gắn liền với thực tế bà con nắm bắt nhanh hơn”.

Lớp xóa mù chữ tại điểm trường Đán Khao, xã Thượng Sơn.

Le lói những ánh đèn pin, rậm rịch những bước chân mỗi lúc một gần hơn, đông hơn về Điểm trường Tiểu học. Đó là hình ảnh quen thuộc của các lớp học đêm dành cho bà con dân tộc thiểu số tại huyện Vị Xuyên. Tan học các con trở về nhà nhường lớp học, bàn ghế, bảng phấn cho các bậc phụ huynh. “ "Xóa mù chữ" cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số là một đề án có ý nghĩa thiết thực đối với bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền đất nước. Lớp xóa mù chữ đã giúp cho bà con đồng biết đến những con chữ, những phép tính căn bản nhất. Giúp họ thuận lợi hơn trong công việc cũng như giao tiếp hàng ngày”. Bà Xuân Thị Dần – Phó chủ tịch UBND xã Minh Tân thông tin thêm.

Học viên lớp xóa mù chữ tại trường Tiểu Học B xã Minh Tân đang luyện đọc.

Huyện Vị Xuyên hiện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83 %. Tỷ lệ người mù chữ trên địa bàn huyện còn khá cao. Nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống và sản xuất chưa được xoá bỏ nên đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thực hiện Kế hoạch số 282 của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2030 trong đó công tác xóa mù góp phần đạt chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về giáo dục và đào tạo là định hướng vô cùng đúng đắn. Thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp, các ngành; các xã, mở các lớp xóa mù chữ tại cơ sở. Từ năm 2022 đến nay, huyện Vị Xuyên đã mở được 9 lớp với trên 200 học viên tham gia. Bà Lê Thị Thuận – Trưởng phòng GĐ&ĐT huyện Vị Xuyên cho biết: “ Công tác xoá mù chữ là một việc làm khó, vì đối tượng người học đều trong độ tuổi lao động, do đó bố trí giờ học linh hoạt, đặc biệt buổi tối vào những giờ người học ít phải tham gia lao động sản xuất là cách làm tại huyện Vị Xuyên. Thời gian qua, bên cạnh tích cực vận động bà con trong độ tuổi từ 15 -60 tham gia học các lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, Phòng chỉ đạo các trường cử các giáo viên có năng lực, nhiệt huyết dạy lớp xóa mù chữ vào các buổi tối trong tuần. Đến nay, các lớp học này đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Trong thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan, ban ngành đoàn thể, tăng cường điều tra nhu cầu của người dân để mở các lớp giáo dục xóa mù chữ, giáo dục sau biết chữ. Qua đó, giúp cho đồng bào dân tộc biết đọc, biết viết, biết tính toán, tiến tới biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để không chỉ nâng cao dân trí mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các xã vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn”.

Những nét chữ đầy cố gắng vẫn còn thơm mùi mực, những tiếng đánh vần ngọng nghịu cứ văng vẳng bên tai, hình ảnh người thầy giáo, cô giáo miệt mài, tận tụy hướng dẫn những học viên của lớp học xóa mù chữ vẫn in đậm trong tôi.  Vượt lên trên khó khăn, với nỗ lực "gieo chữ" của các ngành chức năng cùng sự quyết tâm của những "học sinh đặc biệt", những ánh sáng từ những lớp học xóa mù chữ là cái đích để cải thiện cuộc sống, góp phần thay đổi tư duy của bà con vùng sâu, vùng xa dù việc học đôi khi vẫn bị gián đoạn bởi công việc mưu sinh hằng ngày.


Tác giả: Thu Biên VX
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 271
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 271
Năm 2024 : 505.617