A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Thực hiện hoá khát vọng phồn vinh, hạnh phúc (Kỳ cuối)

“Vượt nắng thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca, 4 kíp”, “làm việc ngày đêm không kể thứ Bảy, Chủ nhật” đã trở thành phương châm hành động, khí thế thường trực trên khắp các công trường nhằm đảm bảo Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang được đẩy nhanh tiến độ. Từ đó, lan tỏa hào khí giao thông đi trước mở đường, khơi thông huyết mạch thúc đẩy kinh tế – xã hội miền cực Bắc Tổ quốc phát triển nhanh và bền vững.

Kỳ cuối: Giao thông đi trước mở đường

Mở không gian phát triển mới

Hạ tầng giao thông có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững đất nước. Đó là “giao thông đi trước mở đường”, “đường mở đến đâu, dân giàu đến đó”. Và quan điểm trên đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc họp thúc đẩy loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Đồng thời khẳng định, giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó. Nhiều khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, giúp tận dụng lợi thế so sánh giữa các vùng, miền, địa phương, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, làm gia tăng giá trị của đất…

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đồng thời, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Điều đó đồng nghĩa với việc giai đoạn 2021 – 2030, cả nước phải đầu tư, xây dựng gấp 4,3 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 – 2020 (1.163 km).

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, trò chuyện cùng nhân dân vùng Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống, Chính phủ đã phân cấp cho 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang làm cơ quan chủ quản thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang với tổng chiều dài 104,5 km, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đây là dự án giao thông nhóm A, nằm trong Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, 77,2 km cao tốc thuộc tỉnh Tuyên Quang, 27,48 km thuộc tỉnh Hà Giang.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước; ngày 22.3.2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 06 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 30, ngày 25.8.2022. Theo đó, giai đoạn 1, tuyến cao tốc có chiều dài 27,48 km, quy mô 4 làn xe, đi qua địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang; tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng. Điểm đầu cao tốc nối tiếp đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang tại cuối cầu Vĩnh Tuy, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang), điểm cuối tại Km27+480, địa phận xã Tân Quang (Bắc Quang). Đây là tuyến cao tốc đầu tiên của tỉnh có quy mô đầu tư lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà động viên công nhân của nhà thầu thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Ngày 28.5.2023, phát biểu tại Lễ khởi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đây là Dự án có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía Bắc nói chung và 2 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang nói riêng. Đây cũng là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết 11, ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án càng có ý nghĩa hơn khi góp phần giải quyết một trong những “điểm nghẽn” lớn của Hà Giang đó là hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang bấm nút khởi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Nói về “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông, Nghị quyết 22, ngày 22.12.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030 chỉ rõ: Hệ thống giao thông của tỉnh còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, đang là “điểm nghẽn” của quá trình phát triển. Tỉnh chưa có đường bộ cao tốc, đường tốc độ cao và cảng hàng không kết nối với các trung tâm kinh tế trong khu vực Thủ đô Hà Nội... Hạn chế này đã trở thành “rào cản” trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh.

Từ thực tế trên, Nghị quyết 22 của BCH Đảng bộ tỉnh đã thể hiện nhất quán quan điểm: Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, mạng lưới giao thông, thực hiện hiệu quả một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch, chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có tính kết nối cao, có thứ tự ưu tiên trọng tâm, trọng điểm; từ đó thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, củng cố vững chắc quốc phòng – an ninh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát hướng tuyến Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Như vậy, cùng với quyết tâm chính trị cao của tỉnh, sự quan tâm đầu tư của T.Ư, việc xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần khơi thông “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông. Qua đó, tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai kết nối với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang); đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao của nhân dân, giải quyết “điểm nghẽn” về giao thông liên vùng, nội vùng giữa 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang; rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển từ Hà Giang tới Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Đồng thời, mở ra bước ngoặt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh và hướng tới hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Xây dáng hình cao tốc

Những ngày tháng Sáu, công trường thi công cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang  (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang rền vang tiếng máy xúc, máy lu, tiếng hàn cắt kim loại, tiếng va chạm của các thiết bị được lắp đặt. Tại 3 gói thầu: 03-XL, 04-XL, 05-XL, không khí thi đua lao động sôi động hiện hữu trên khắp các công trường nhằm đảm bảo cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang không lỡ hẹn “về đích” năm 2025.

Xẻ núi, bạt đồi thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua thôn Tân Tiến, xã Quang Minh (Bắc Quang).

Máy móc, thiết bị được huy động tại công trường để đảm bảo tiến độ thi công cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Anh Đào Ngọc Huấn, Tổng công ty Cổ phần xuất, nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – (Vinaconex), Chỉ huy trưởng công trường chia sẻ: Chúng tôi thực hiện thi công gói thầu 03-XL, khởi công ngày 20.6.2023. Để thi công các hạng mục quan trọng của gói thầu như: Nền đường, hệ thống thoát nước, cầu, cống… đơn vị đã lên kế hoạch cụ thể, động viên anh em công nhân làm việc xuyên Tết, làm việc ngày đêm không kể thứ Bảy, Chủ nhật, thi công “3 ca, 4 kíp”, bố trí nhân lực thay phiên nhau lái máy cũng như xây lắp trên công trường với mục đích đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng dự án; đồng thời, thực hiện nghiêm nguyên tắc “An toàn mới thi công, thi công phải an toàn”. Cùng với việc thi công, lương, thưởng của công nhân được Vinaconex chi trả theo đúng quy định, tạo động lực khích lệ tinh thần hăng say lao động trên công trường.

Để đảm bảo tiến độ gói thầu 03-XL, Vinaconex đã huy động 167 máy móc, thiết bị chính tại công trường và gần 400 nhân sự trên hiện trường. Tính đến đầu tháng 6.2024, giá trị sản lượng đã thực hiện là 307/812 tỷ đồng, đạt 38% giá trị hợp đồng. Các hạng mục thi công đều đảm bảo tiến độ đề ra. Trong đó, hoàn thành 11/13 hầm chui, 13/13 cống hộp lớn. Riêng công trình cầu suối Mán Km5+806 hoàn thành 26/26 cọc khoan nhồi, 15/15 phiến dầm I25, hoàn thành mố M1, M2, thi công xong thân trụ T1, đang tiến hành thi công xà mũ trụ T1, T2 với tổng khối lượng hoàn thành đạt 77%...

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu chui dân sinh trên tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Sau những trận mưa lớn hồi cuối tháng 5 và đầu tháng 6 làm chậm tiến độ thi công; tranh thủ thời tiết thuận lợi, Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An – TAG, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam, Công ty TNHH Phương Đông đã tăng ca, tăng kíp để bù phụ khối lượng công việc còn chậm đối với gói thầu 04-XL. Anh Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc điều hành Liên danh nhà thầu gói 04-XL cho biết: Chúng tôi đã huy động 114 máy móc thiết bị chính tại công trường cùng 172 nhân sự tham gia tại hiện trường để đẩy nhanh tiến độ thi công. Các phương tiện, dây chuyền san, ủi, lu lèn được tăng cường thi công trước sự giám sát chặt chẽ của tư vấn giám sát, điều hành dự án nhằm đảm bảo chất lượng thi công đường cao tốc. Sau hơn 8 tháng thi công, kể từ 30.10.2023 đến nay, giá trị sản lượng của gói thầu 04-XL đã thực hiện được hơn 227 tỷ đồng trên tổng số 764 tỷ đồng, đạt gần 30% giá trị hợp đồng. Trong quá trình thi công, chúng tôi luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm đạt tiêu chí về quản lý tiến độ, chất lượng, mỹ quan cũng như đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Tương tự các gói thầu trên, Liên danh Công ty Cổ phần Taco Trường Sơn, Công ty Cổ phần xây dựng Đồng Tiến, Công ty TNHH Phúc Thành An huy động gần 110 máy móc chính tại công trường với sự tham gia của hơn 220 nhân sự trên hiện trường để đảm bảo tiến độ thi công gói thầu 05-XL. Đến nay, giá trị sản lượng gói thầu 05-XL thực hiện được hơn 140 tỷ đồng, đạt 19,09% giá trị hợp đồng.

Thi công cầu vượt sông, đoạn qua xã Tân Quang thuộc gói thầu 05-XL.

Nhà thầu Vinaconex huy động tối đa máy móc, phương tiện và nhân lực tập trung thi công gói thầu 03-XL.

Tính đến đầu tháng 6.2024, tổng giá trị thực hiện thi công 03 gói thầu là 676/2.316 tỷ đồng, đạt 29% giá trị hợp đồng. Dự kiến trong thời gian tới sẽ có 2 đợt bổ sung thêm nhân sự và máy móc, thiết bị thi công chính để đến tháng 12.2024 có 445 thiết bị thi công chính và 962 nhân sự có mặt tại hiện trường nhằm đảm bảo tăng tốc, đưa Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang về đích đúng tiến độ vào năm 2025.

Các nhà thầu tập trung nhân lực thi công cầu trên tuyến cao tốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và lãnh đạo các ngành, địa phương kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Giờ đây, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các cấp, ngành, nhà thầu, đơn vị thi công cùng sự đồng thuận trong nhân dân, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang đang từng ngày hiện hữu. Qua đó, không chỉ đáp ứng kỳ vọng của nhân dân sớm được thụ hưởng thành quả Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang mang lại mà còn là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa khát vọng đưa Hà Giang bứt phá “sống trên đá, thoát nghèo và tiến tới làm giàu trên đá”; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế – xã hội phát triển khá trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế – xã hội trung bình khá của cả nước, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Thu Phương – Hồng Cừ


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.153
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.405
Năm 2024 : 504.791