A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống trong trường học tại huyện Hoàng Su Phì

CTTBTG - Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Đề án số 04-ĐA/HU, ngày 26/2/2021 về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo huyện Hoàng Su Phì, giai đoạn 2021 – 2025.

Ảnh: Các em học sinh Trường PTDTBT TH-THCS Túng Sán trình diễn các hoạt động tại Hội thảo

Toàn huyện Hoàng Su Phì có trên 95% học sinh là người dân tộc thiểu số, đa phần ở vùng cao, vùng sâu, xa; hiểu biết của các em về văn hóa truyền thống còn hạn chế, vì vậy Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục đẩy mạnh phát triển hệ thống các trường nội trú, bán trú nhằm huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng dạy và học; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh và thực hành văn hóa truyền thống dân tộc, kết hợp tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đội, sinh hoạt câu lạc bộ trong trường học. Năm học 2022-2023 toàn huyện có 20/37 trường chiếm 54% vì vậy thuận lợi cho công tác duy trì sĩ số, đặc biệt là việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống cấc dân tộc thiểu số vào giảng dậy trong nhà trường. Mặt khác, là huyện có 13 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một nét văn hóa đặc trưng, vì thế việc giới thiệu, truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc đã được các trường học đẩy mạnh với nội dung và hình thức phong phú, đa đạng.

Trong quá trình thực hiện, nhiều cơ sở giáo dục có mô hình, cách làm hay được hưởng ứng, kết quả là: Các trường đã thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục vào các môn học, bài học trong chương trình một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng xã và đối tượng học sinh như: Môn Đạo đức, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD. Các trường thường xuyên triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hoá truyền thống vào trường học, kết hợp tuyên truyền xoá bỏ hủ tục lạc hậu thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đội, sinh hoạt câu lạc bộ trong nhà trường góp phần bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của địa phương. 100% các trường đều thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ văn hóa hoá truyền thống; câu lạc bộ thể dục, thể thao, ...tổng số có 147 CLB, bình quân 4 CLB/trường, Trường có các câu lạc bộ hoạt động tiêu biểu như PTDTBT TH&THCS Bản Máy, THCS Tân Tiến, THCS Vinh Quang. Tham gia tích cực vào hoạt động tuần văn hoá du lịch tại các địa phương như: các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các trò chơi dân gian, các sản phẩm văn hoá truyền thống trưng bày tại lễ hội, nổi bật như trường PTDTBT TH&THCS Tả Sử Choóng, PTDTBT TH&THCS Túng Sán, THCS Hồ Thầu,… 100% các trường đã chú trọng tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử trên địa bàn huyện; trải nghiệm lễ hội trong tuần văn hoá du lịch, thăm các danh lam thắng cảnh của địa phương; thăm và trải nghiệm tại các đơn vị bộ đội, trải nghiệm đường biên mốc giới; trải nghiệm gặt lúa, thu hoạch nông sản, trải nghiệm gói bánh chưng, đan lát, bật bông, dệt vải... với tổng số 142 lượt, thực hiện tốt như trường PTDTBT THCS Bản Phùng, THCS Bản Luốc, Tiểu học Vinh Quang, THCS Vinh Quang, TH&THCS Bản Péo, PTDTBT TH&THCS Bản Máy, Thàng Tín… 100% các trường đã tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa với nhiều hình thức hoạt động thể thao, trò chơi dân gian, thi tìm hiểu về lịch sử đảng bộ các cấp…với tổng số 121 hoạt động. Đối với cuộc thi tìm hiểu về lịch sử đảng bộ các cấp đã thu hút 61/61 trường tham gia. Với 1.398 giáo viên, nhân viên và 1.060 học sinh. Kết quả 03 tập thể và 30 cá nhân đạt giải. 100% các trường đã xây dựng không gian đọc sách, thư viện xanh; thư viện góc lớp thu hút đông đảo học sinh tham gia đọc sách, báo. Điển hình như trường Tiểu học Vinh Quang, TH&THCS Tụ Nhân… Phối hợp Hội nghệ nhân dân gian các xã, thị trấn truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh. 100% các trường đã xây dựng không gian văn hóa truyền thống và trưng bày các sản phẩm văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc (nhạc cụ truyền thống, trang phục, dụng cụ lao động sản xuất...)

Ảnh: Đại biểu thăm quan các hoạt động bảo tồn văn hóa của học sinh Túng Sán

Đảng xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Đến nay, Đề án giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào truyền dạy trong các nhà trường của huyện đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của tỉnh, huyện và sự linh hoạt, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đề án. Nhờ thế, tạo nên hiệu quả thiết thực và kịp thời, chuyển biến về nhận thức và hành động đối với việc giáo dục kỹ năng sống, truyền dạy văn hóa truyền thống tại các xã, thị trấn và các đơn vị trường học, góp phần duy trì sĩ số và tăng tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đồng thời, bảo tồn, lưu giữ, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Nhằm cụ thể hóa hơn nữa Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;  Đề án số 04-ĐA/HU, ngày 26/2/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo huyện Hoàng Su Phì giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 27/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc giáo dục kỹ năng sống, truyền dạy văn hóa truyền thống, kết hợp tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu tại các đơn vị trường học đạt được kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, Chiều ngày 10/02/2023 tại xã Túng Sán huyện Hoàng Su Phì, Phòng GD&ĐT huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức Hội thảo bàn giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống gắn với tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong trường học, năm học 2022-2023. Đến dự và chỉ đạo có đồng chí Hoàng Đức Tân - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành và lãnh đạo UBND 24 xã thị trấn, lãnh đạo 37 trường Tiểu học, Trung học cơ sở của huyện.

Ảnh: "Múa Nhẩy" ngựa của Người Nùng

Kết thúc hội nghị thay mặt Thường trực UBND huyện đồng chí Hoàng Đức Tân - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện đã phát biểu chỉ đạo việc triển khai trong thời gian tới, như sau: Phòng Giáo dục & Đào tạo tăng cường chỉ đạo các đơn vị trường học phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, mời các nghệ nhân dân gian, người am hiểu phong tục tập quán trực tiếp đến nói chuyện chuyên đề, truyền dạy cho học sinh. Căn cứ vào Đề án số 06 – ĐA/HU, ngày 26/02/2021 về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc bảo vệ cảnh quan môi trường giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 12/KH-UBND, ngày 11/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về triển khai giáo dục kỹ năng sống và lịch sử văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Chương trình hành động số 11 – CTr/HU, ngày 27/12/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về triển khai Nghị quyết số 15 – NQ/TU, ngày 06/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 để tiến hành thống kê, phân loại và đưa vào danh mục các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn cần bảo tồn, phục dựng; qua đó thẩm định, thống nhất lựa chọn những nội dung văn hóa, phong tục đặc sắc để giới thiệu, đưa vào chương trình giảng dạy. Cụ thể: Đối với văn hóa vật thể, truyền dạy cho học sinh về kiến trúc nhà cửa, trang phục truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Cờ Lao…; văn hóa phi vật thể, truyền dạy những điệu dân ca, trò chơi dân gian, sản xuất và sử dụng các loại nhạc cụ; giới thiệu các nghi lễ dân gian như: Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Gầu Tào, Lồng Tồng, Lễ cầu mưa, cúng Tổ tiên, cúng thần rừng… Nội dung chương trình giáo dục kỹ năng sống, gìn giữ nét văn hóa dân tộc được thực hiện thường xuyên theo hình thức tích hợp qua các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; tổ chức trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng như sân khấu hóa, tham quan, tìm hiểu thực tế tại các thôn, điểm có nét văn hóa, di tích lịch sử. Luôn xác định giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hóa truyền thống và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu vào trường học là định hướng cho thanh - thiếu niên rèn luyện trở thành những công dân có ích, tạo môi trường giáo dục thân thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện.

Từ đó sự nghiệp giáo dục của huyện Hoàng Su Phì sẽ thực hiện thành công Đề án nâng cao chất lượng giáo dục của huyện, góp phần hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ huyện lần thứ XVII đã đề ra.

Bài và ảnh: Lý Hà – BTG huyện Hoàng Su Phì


Tác giả: Lý Hà
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.267
Hôm qua : 3.189
Tháng 04 : 100.201
Năm 2024 : 288.541