A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Nông nghiệp – những chỉ tiêu về đích theo nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh

Năm 2019, một năm đầy thách thức, khó khăn đối với ngành Nông nghiệp. Nhưng vượt lên tất cả, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và quyết tâm cao của người dân, nông lâm nghiệp và thủy sản đã đạt và vượt chỉ tiêu ở nhiều lĩnh vực, giữ vai trò là trụ cột trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ở thời điểm năm “Nước rút” triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm giai đoạn 2016-2020, những kết quả đạt được của nông lâm nghiệp và thủy sản có ý nghĩa quan trọng để tiến tới về đích các chỉ tiêu, kế hoạch nghị quyết đại hội Đảng trong năm 2020.

Chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm đã được triển khai trên quy mô toàn tỉnh và nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các chủ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân. 201 sản phẩm thuộc 06 nhóm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm-nội thất-trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn đã được lựa chọn tham gia chương trình OCOP và thi phân hạng, đánh giá chất lượng sản phẩm tính đến nay. Kết quả năm 2019, có 02 sản phẩm được xếp hạng 5 sao; 21 sản phẩm được xếp hạng 4 sao; 48 sản phẩm được xếp hạng 3 sao. Một chu trình cụ thể từ tuyên truyền, hướng dẫn; nhận ý tưởng sản phẩm; nhận kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, xếp hạng sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến, quảng bá... đã giúp cho các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của Hà Giang khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đem lại giá trị cao hơn cho người dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2019 đã trải qua giai đoạn tròn 10 năm. Với phương châm “Việc dễ làm trước, việc nào khó làm sau-Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trọng tâm là cải thiện thu nhập của người dân và đầu tư hạ tầng giao thông, năm 2019, nhân dân đã hiến trên 227 nghìn m2 đất, đóng góp trên 191 nghìn ngày công lao động; quyên góp, ủng hộ xây dựng nông thôn mới được 16,8 tỷ đồng; cùng với nguồn vốn của nhà nước đã thực hiện mở mới được 102km đường đất đá; nâng cấp hơn 995km đường giao thông các loại; làm mới hơn 321km đường nông thôn mặt bê tông xi măng; cải tạo, xây dựng 177 phòng học, 44 nhà văn hóa thôn. Toàn tỉnh công nhận thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 38/177 xã; công nhận thành phố Hà Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đề án quy tụ các hộ dân sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2018-2020, một trong những chương trình có ý nghĩa đã về đích trước một năm so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 4.692 hộ được thực hiện quy tụ dân cư, trong đó, có 929 hộ thuộc xã biên giới; 3.599 hộ nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai và 164 hộ thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Qua 2 giai đoạn triển khai Đề án quy tụ dân cư của tỉnh, hàng nghìn hộ dân có nơi ở ổn định theo quy chuẩn phòng chống thiên tai, được thụ hưởng các điều kiện về cơ sở vật chất như: Điện, đường, trường, trạm; gần gũi phát triển cộng đồng, phát huy bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế…

Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản năm 2019 đạt trên 7.200 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2018. Tổng sản lượng lương thực có hạt thu hoạch đạt hơn 406.000 tấn, vượt 0,2% so với Kế hoạch. Giá trị thu hoạch bình quân trên ha đất canh tác cây hàng năm tăng 2,34% đạt mức 45,42 triệu đồng. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 57,2%. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 29,11% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Các cấp, ngành triển khai nhiều giải pháp chỉ đạo chuyển hướng phát triển chăn nuôi sang quy mô gia trại, trang trại gắn với chương trình thụ tinh nhân tạo. Bức tranh tổng thể về phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản trong năm qua đã nổi lên những gam màu tươi sáng của các chỉ tiêu vượt kế hoạch, về đích sớm so với nghị quyết. Đó là việc vận dụng, triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đó là đã sử dụng cơ cấu giống tốt, thực hiện thâm canh để nâng cao năng suất cây trồng; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; đẩy mạnh thực hiện cánh đồng mẫu 5 cùng trong sản xuất; cơ giới hóa, dồn điền đổi thửa, tổ chức lại sản xuất cho người dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hà Giang đã chứng nhận được 06 mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến; xây dựng phần mềm quản lý đối với diện tích cam VietGAP, chè hữu cơ. 03 sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh dự thi đạt giải cao tại cuộc thi Quốc tế lần thứ nhất Chè thế giới. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác quản lý khung thời vụ sản xuất, tiêu thụ và công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực của địa phương thông qua các hoạt động kết nối cung cầu.

Dự báo trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch bệnh do virus Corona, dịch cúm gia cầm, bệnh đạo ôn, rầy nâu... Đặc biệt, do ảnh hưởng của biến đi khí hậu nên thiên tai, hỏa hoạn và các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Để ngành Nông nghiệp về đích các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và người dân.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.477
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 1.477
Năm 2024 : 506.823