A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số kết quả nổi bật trong công tác nâng cao chất lượng hoạt động gắn với phát huy vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh

Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 11/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hoạt động mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Đề án số 05-ĐA/TU), hoạt động của các hội nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng cao về chất lượng, đồng thời phát huy được vai trò tích cực của hội trong công tác xây dựng và phát triển nền văn hóa-xã hội của tỉnh.

Trên cơ sở Đề án 05-ĐA/TU, các huyện, thành phố đã khẩn trương rà soát, kiện toàn lại “Hội nghệ nhân dân gian” theo đúng quy định. Theo đó, các hội nghệ nhân dân gian hiện nay đều do y ban nhân dân cấp xã, thị trấn, cấp huyện quyết định thành lập. Các hội viên được kết nạp vào hội là những người có uy tín trong vùng đồng bào, đồng thời, có kiến thức và am hiểu sâu sắc về văn hóa truyền thống của một hoặc nhiều dân tộc tại địa phương, giỏi nghề truyền thống, giỏi về văn nghệ dân gian, thành thạo các thủ tục tín ngưỡng dân gian… Các hội viên đều có khả năng phát huy tốt vai trò, sự ảnh hưởng của mình đối với người dân trong vùng. 100% các hội đều có quy chế hoạt động chung, tham gia hoạt động chủ yếu trong 03 lĩnh vực: Tín ngưỡng dân gian; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; bảo tồn, truyền dạy và làm nghề truyền thống. Hiện nay, toàn tỉnh có 188 tổ chức hội cấp xã và 01 tổ chức hội cấp huyện với 9.088 hội viên (tăng 22 tổ chức hội và 2.910 hội viên so với năm 2016).

Đồng thời, các cơ quan quản lý trực tiếp đã chủ động, thường xuyên cụ thể hóa từng nội dung các đề án, chỉ thị, nghị quyết của tỉnh và Trung ương để tổ chức hoạt động cho các hội, như: Kết luận số 156-KL/TU, ngày 02/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 02/02/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 06/01/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh…Từ đó, các hội đã có hoạt động đúng chức năng và phát huy tốt vai trò của mình. Cụ thể: Các hội nghệ nhân dân gian đã tích cực công tác tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ mê tín dị đoan, bài trừ các hủ tục lạc hậu gắn với xây dựng làng văn hóa và xây dựng đời sống mới ở khu dân cư thông qua việc tham gia và định hướng tổ chức các thủ tục đám hiếu, cúng bái của người dân trong vùng. Hội viên các hội nghệ nhân dân gian trở thành lực lượng nòng cốt trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy một số lễ hội truyền thống của các dân tộc. Hội nghệ nhân dân gian còn tham gia tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thông qua việc thành lập các câu lạc bộ, các lớp truyền dạy các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian; chủ động, thường xuyên phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn, các trường học để mở các lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống; đề xuất với chính quyền địa phương tôn tạo, khôi phục, truyền dạy một số nghề thủ công gắn với phát triển du lịch… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 33 làng văn hóa, trong đó có nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng được xây dựng và từng bước có hoạt động hiệu quả như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ), làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm (huyện Đồng Văn), có trên 50 lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số được phục dựng và tổ chức hằng năm tại các địa phương trên địa bàn, như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; Lễ hội cúng thần rừng Mo Đồng Chư của dân tộc Nùng… nhiều câu lạc bộ văn hóa truyền thống có sinh hoạt sôi nổi, mang lại hiệu quả thực tiễn cao như: Câu lạc bộ hát Then cổ xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang); câu lạc bộ khèn Mông tại các xã của huyện Đồng Văn; nhiều lớp truyền dạy làn điệu dân ca thu hút được đông đảo người học như: Lớp dạy làn điệu dân ca Cờ Lao, xã Sính Lủng (huyện Đồng Văn); lớp dạy kỹ năng thổi, múa và làm khèn dân tộc Mông tại một số huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc…

Tuy nhiên, hoạt động của các hội nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Việc mở các lớp truyền dạy trong cộng đồng phần lớn đều chưa có kế hoạch cụ thể hằng năm; kinh phí bố trí cho hoạt động của hội còn thấp, chưa thường xuyên; việc tham gia vào định hướng các hoạt động tín ngưỡng dân gian còn nhiều bất cập, nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại đan xen… Do đó, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các ngành chức năng có liên quan trực tiếp cần quan tâm, chủ động tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa hoạt động của các hội nghệ nhân dân gian, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu về văn hóa-xã hội đã được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng tỉnh Hà Giang phát triển bền vững.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 173
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 173
Năm 2024 : 505.519