A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với công tác tổ chức, triển khai thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh

Thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo, hướng dẫn của Hội liên hiệp Phụ nữ Trung ương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về công tác bình đẳng giới, đặc biệt là thực hiện tinh thần chỉ đạo Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh: “Chú trọng công tác gia đình, thực hiện tốt chương trình bình đẳng giới, bám sát thực tiễn của địa phương và yêu cầu nhiệm vụ công tác phụ nữ trong tình hình mới, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phát huy vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong tổ chức, triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

       Thực hiện một trong những nhiệm vụ của tổ chức Hội LHPN là: Tổ chức tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội trực thuộc tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung cơ bản của bình đẳng giới với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, sinh động như: Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt định kỳ; các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; tiếp nhận, biên tập và chuyển phát, phát hành các tài liệu về bình đẳng giới đến từng hội viên; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về bình đẳng giới; phát huy vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ đang tham gia công tác, sinh hoạt trong các lĩnh vực khác nhau để thực hiện tuyên truyền, vận động hành lang, vận động xã hội về bình đẳng giới… Qua đó, đã nâng cao nhận thức, tác động thay đổi hành vi tự biết bảo vệ, nâng cao năng lực, giá trị của bản thân, vị trí, vai trò của người phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội.

Song song với công tác tuyên truyền, vận động, Hội LHPN tỉnh còn thực hiện công tác bình đẳng giới thông qua các phong trào, cuộc vận động, chương trình cụ thể nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững. Các hoạt động nổi bật trong thời gian qua như: Thực hiện giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động thông qua việc tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (tổng các nguồn vốn vay dư nợ do Hội quản lý đến 30/6/2020 là 849 tỷ đồng cho 24.159 hội viên vay); thành lập 481 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế; hỗ trợ thành lập 08 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ…đã tạo cơ hội phát huy năng lực của phụ nữ đối với sự phát triển của gia đình, xã hội được thụ hưởng công bằng thành quả lao động của sự phát triển đó. Để đảm bảo bình đẳng giới trong phát triển văn hóa, xã hội, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh chỉ đạo, hướng dẫn việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ thông qua việc duy trì hoạt động của 137 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”,  247 câu lạc bộ  “Gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; 114 câu lạc bộ  “Phụ nữ không sinh con thứ 3”...; đồng thời, khuyến khích, tạo các điều kiện, cơ hội để phụ nữ được tham gia vào các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao. Hiện nay, các cấp hội đã thành lập 557 đội văn nghệ, 278 đội thể thao, thu hút 7.132 thành viên tham gia với nhiều loại hình hoạt động đa dạng, phong phú như: Khiêu vũ, hát then, múa sạp, bóng chuyền hơi, bóng đá nữ, cầu lông...

Công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em được Hội LHPN tỉnh chú trọng thực hiện. Hiện nay, các cấp hội đã xây dựng được 870 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, 23 mô hình “3 trong 1 gắn kết tình cảm gia đình”, 06 hội nàng dâu tự quản” nhằm góp phần hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực gia đình, đồng thời tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Trong lao động, phụ nữ dân tộc thiểu số có thời gian làm việc nhiều hơn nam giới, phần lớn tại các gia đình nam giới vẫn được coi là trụ cột, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng, phụ nữ dân tộc thiểu số ít có cơ hội để học tập nâng cao trình độ, nghỉ ngơi giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội, các vấn đề bạo lực gia đình, mua bán, lạm dụng, xâm phạm phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Do đó, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về bình đẳng giới với các hình thức quyết liệt, phù hợp hơn. Đồng thời, cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia của người dân và toàn xã hội.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 173
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 173
Năm 2024 : 505.519