A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đột phá ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ (KHKT&CN) vào sản xuất là 1 trong 2 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Qua 05 năm triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể hóa nghị quyết đại hội, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh việc tái cơ cấu gắn với đẩy mạnh ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất. Các địa phương tập trung nguồn lực, thực hiện kế hoạch đột phá một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn; từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu của người dân; tạo thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo quy mô hàng hóa. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt trên trên 34% tổng diện tích đất canh tác; toàn tỉnh có trên 76 nghìn máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các địa phương áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với hàng nghìn ha cam, chè; phát triển rau, hoa trong nhà lưới với diện tích trên 11ha; thành lập và duy trì trên 400 trang trại, gia trại chăn nuôi, thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trên 14.400 con trâu, bò.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đơn vị ứng dụng công nghệ, sản xuất được một số giống dược liệu quý và giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, như: Ba kích, Giảo cổ lam, Đinh lăng, Đan sâm, Hà thủ ô, Kim ngân; giống cá Lăng chấm, cá Chiên; nhân giống và bảo tồn nguồn gen gà lông xước, lợn đen Lũng Pù… Một số địa phương áp dụng mạnh mẽ KHKT&CN vào sản xuất như: Huyện Mèo Vạc ứng dụng thành công kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn bò địa phương; xây dựng mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh; áp dụng công nghệ giảm thủy phần mật ong Bạc hà; thành phố Hà Giang khuyến khích Công ty trách nhiệm hữu hạn Côn Hà đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ; huyện Vị Xuyên hỗ trợ người dân phát triển sản xuất trong nhà lưới, hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao tại thị trấn Vị Xuyên; huyện Bắc Quang, Quang Bình triển khai các tổ sản xuất cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP; huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần phát triển các sản phẩm từ chè Shan tuyết cổ thụ, sản xuất lúa hàng hóa gắn với cơ sở chế biến; huyện Quản Bạ ứng dụng KHKT vào sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn tỉnh có 106 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 06 chỉ dẫn địa lý gồm: Hồng không hạt Quản Bạ, gạo Già Dui Xín Mần, cam Sành Hà Giang, chè Shan tuyết Hà Giang, thịt bò Hà Giang, Mật ong Bạc hà Mèo Vạc; 07 nhãn hiệu chứng nhận; 09 nhãn hiệu tập thể và 84 nhãn hiệu thông thường cho đặc sản địa phương.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, mặc dù tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm cao, tỉnh đã tập trung nguồn lực, đầu tư ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất có trọng tâm, trọng điểm; trong đó ưu tiên các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, khả năng phòng chống dịch bệnh tốt, xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch... Qua đó mang lại những kết quả mang tính đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương. Tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 323
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 323
Năm 2024 : 505.669