A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển vùng kinh tế động lực, giai đoạn 2016-2020

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 15/4/2016 của Tỉnh ủy về phát triển vùng kinh tế động lực (gọi tắt là Nghị quyết số 05-NQ/TU), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng kinh tế động lực, đạt được kết quả tích cực, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt và vượt so với nghị quyết. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của vùng phát triển tốt theo hướng sản xuất tập trung gắn với chế biến; xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả nổi bật; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm hoàn thiện; công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá; thu hút đầu tư bước đầu đạt kết quả khả quan; diện mạo kinh tế khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành chương trình hành động thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện nghị quyết; đồng thời thành lập Ban Điều phối với 15 thành viên điều hành, theo dõi, giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Các sở, ngành, huyện, thành phố đã chủ động phân công cán bộ trực tiếp phụ trách chương trình; tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Kết quả trong giai đoạn 2016-2020: Thực hiện gieo cấy lúa chất lượng cao năm 2016 của 03 huyện vùng động lực là 2.901 ha; năng suất đạt 53,4 tạ/ha; sản lượng lúa hàng hóa đạt 16.020 tấn. Năm 2019, thực hiện của 05 huyện là 1.430,4ha, năng suất đạt 60 tạ/ha, sản lượng đạt 8.643,3 tấn; 6 tháng đầu năm 2020 là 1.755ha, đạt 58,5% mục tiêu Nghị quyết. Triển khai áp dụng, cấp chứng nhận cho 8.747ha diện tích chè, chiếm 42,3% diện tích chè toàn tỉnh, chiếm 48,8% diện tích cho thu hoạch, vượt 9,3% so với mục tiêu Nghị quyết; đã cấp chứng nhận VietGAP cho 4.143,1ha diện tích cam, chiếm 49,8% diện tích cam toàn tỉnh, chiếm 61,8% diện tích cho sản phẩm, đạt 82,9% mục tiêu Nghị quyết. Các huyện vùng động lực đã lựa chọn và phát triển diện tích cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; trồng rừng tập trung được 25.476,72ha; phát triển được 238 gia trại, trang trại chăn nuôi với tổng đàn trâu, bò hiện có 109.895 con, chiếm 38,42% so với tổng đàn của cả tỉnh; tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2019 đạt 2.064 tấn, tăng 0,92% so với năm 2018; 6 tháng đầu năm 2020 đạt 790 tấn, tăng 14,66% so với cùng kỳ năm 2019. Tại 05 huyện vùng động lực có 29 xã/38 xã trong toàn tỉnh được công nhận Nông thôn mới. Thành phố Hà Giang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ Nông thôn mới. Năm 2020, dự kiến hoàn thành công nhận 07 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 45 xã; công tác quy tụ dân cư của 04 huyện động lực được giao tổng chỉ tiêu là 1.341 hộ với tổng kinh phí thực hiện 27.200,5 triệu đồng, các huyện đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt và hoàn thành mục tiêu trước 01 năm so với Ngh quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trên địa bàn vùng động lực có 07 nhà máy đã hoàn thành phát điện và 01 nhà máy đang thi công xây dựng; có 01 khu công nghiệp và 03 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tổ chức vận động và ký kết thành công hiệp định đối với 02 dự án ODA, gồm: Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II và Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc. Dự án góp phần giải quyết nhu cầu về vốn đầu tư thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng của thành phố Hà Giang và các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được các huyện vùng động lực quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả như: Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020 và Chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và làm việc ngoài tỉnh giai đoạn 2016-2020, đã góp phần giải quyết việc làm, duy trì và ổn định việc làm cho trên 5.000 lao động. Năm 2015, giải quyết việc làm cho 8.081 lao động trong vùng; đến năm 2020, giải quyết việc làm cho 9.350 lao động tăng 15,7%. Đồng thời, đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức cấp xã theo kế hoạch của tỉnh giai đoạn 2016-2020 được tổng số 52.072 người.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển vùng kinh tế động lực còn một số hạn chế như: Vùng động lực chưa thực sự đóng vai trò đầu tàu kinh tế, chưa có khả năng chi phối, hỗ trợ, dẫn dắt các địa phương khác cùng phát triển; thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các huyện trong vùng động lực, giữa vùng động lực với các huyện còn lại trong việc tạo ra quy mô sản xuất lớn, sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Các tiềm năng, lợi thế của vùng động lực chưa được phát huy, khai thác hiệu quả và chưa gắn kết năng lực sản xuất với chuỗi giá trị; cơ chế, chính sách cho phát triển vùng động lực mới chỉ tập trung vào đề xuất một số nội dung phân cấp, ủy quyền để giải quyết các thủ tục hành chính hoặc đề xuất các nội dung mang tính sự vụ, chưa thực sự có tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng…

Có thể khẳng định, những kết quả thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển vùng kinh tế động lực, giai đoạn 2016-2020 cho thấy chủ trương tập trung phát triển kinh tế vào các vùng có điều kiện thuận lợi; tạo động lực phát triển chung cho toàn tỉnh là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quy luật phát triển. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh với quan điểm kiên trì, quyết tâm hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020 đã đề ra.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 446
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 446
Năm 2024 : 505.792