A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Năm 2019 là năm “Nước rút”, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm giai đoạn 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế của tỉnh cơ bản phát triển ổn định, quốc phòng-an ninh được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 cơ bản hoàn thành.

Về kinh tế, tổng thể các chỉ tiêu chính và theo nhóm ngành đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tổng số có 44 chỉ tiêu, trong đó: 39/44 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra (chiếm 88,6%); 02 chỉ tiêu đạt từ 90% đến dưới 100% (chiếm 4,5%); 03 chỉ tiêu không đạt. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 đạt 13.893,8 tỷ đồng, tăng 6% (thấp hơn 2% so với mục tiêu nghị quyết đề ra là 8%). Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 28,1 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện ước đạt 11.645 tỷ đồng, tăng 29,3% so với năm 2018. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực thương mại-dịch vụ. Cụ thể: Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 31,8% (giảm 0,77% so với năm 2018); Công nghiệp và xây dựng chiếm 24,12% (tăng 0,2% so với năm 2018); thương mại-dịch vụ chiếm 44,08% (tăng 0,57% so với năm 2018); công tác xây dựng Nông thôn mới và quy tụ dân cư, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành, công nhận 05 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Lũy kế số xã đạt chuẩn là 38 xã) và Thành phố Hà Giang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Về công tác quy tụ dân cư: Được các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, hoàn thành mục tiêu trước 01 năm. Đồng thời, tiếp tục bổ sung chỉ tiêu quy tụ dân cư và tổ chức thực hiện tốt; lĩnh vực văn hóa-xã hội, phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng Nông thôn mới được phát huy; phong trào thể dục thể thao ở cơ sở phát triển rộng khắp, đã thành lập Liên đoàn bóng đá tỉnh. Công tác giải quyết việc làm được quan tâm, đã giải quyết việc làm mới cho 21.056 lao động. Đồng thời, các chính sách, dự án giảm nghèo được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện tốt. Năm 2019 toàn tỉnh giảm được 7.259 hộ nghèo, tương đương 4,44% (vượt kế hoạch đề ra); Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đến ngày 28/11/2019, có trên 100 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cam kết và hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình với tổng số tiền trên 186 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 1.175 hộ triển khai xây dựng nhà ở (trong đó 375 nhà đã hoàn thành); chất lượng cải cách thủ tục hành chính và tinh thần phục vụ của cơ quan nhà nước được nâng cao, tạo sự tin tưởng cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch, đồng thời nâng cao tính khách quan, tin cậy hơn so với mô hình một cửa độc lập; công tác xây dựng quốc phòng địa phương được củng cố, tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Hà Giang; công tác đối ngoại đi vào chiều sâu, kết hợp hài hòa giữa ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, văn hóa, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh...

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, tỉnh còn gặp những khó khăn, hạn chế như: Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp; dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi lây lan diện rộng, diễn biến khó lường như dịch sâu keo mùa thu hại ngô, dịch tả lợn Châu Phi… đã gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; các chính sách biên mậu thắt chặt của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến kết quả xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng yêu cầu về đầu tư; còn thiếu các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tính liên kết, liên danh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ…

Năm 2020, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2016-2020, là năm tổ chức đại hội đảng các cấp và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Kết quả đánh giá sơ bộ đến nay các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về cơ bản đã đạt và vượt. Với quan điểm sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành và hoàn thành cao hơn nữa các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của cả giai đoạn, tỉnh đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2020 đó là: Phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt 7%. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy liêm chính hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp; chủ quyền quốc gia được giữ vững, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tập trung lập quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2045; tập trung triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch làm trọng tâm của nền kinh tế tỉnh; đặc biệt là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh thu hút đầu tư gắn với cải cách hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ; quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tăng cường phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng-an ninh và công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp...


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.979
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 1.979
Năm 2024 : 507.325