A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện chính sách giáo dục đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Là tỉnh miền núi với 19 dân tộc cùng chung sống, những năm qua, chính sách giáo dục đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng được nâng cao và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Hà Giang ngày càng phát triển.

Cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác giáo dục vùng đồng bào DTTS. Tính đến ngày 30/9/2019, toàn tỉnh có 825 trường và cơ sở giáo dục, 10.295 lớp với 240.885 học sinh (Tỷ lệ học sinh người DTTS chiếm trên 80% tổng số học sinh trong độ tuổi đến trường), toàn ngành giáo dục và đào tạo có 19.642 cán bộ, giáo viên, nhân viên (Trong đó, tiến sỹ 06 người, trình độ trên đại học 320 người); 637 chi bộ với 14.266 đảng viên, chiếm 72,69% tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 06/01/2016 của Tỉnh ủy về việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống của các DTTS vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh, đã tạo ra phong trào sôi nổi, rộng khắp ở các cơ sở giáo dục, cũng như mỗi học sinh trong việc học tập và giữ gìn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Tỉnh thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục đào tạo các cấp, từ đó quy định nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng đồng bào DTTS; gắn việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục với mức độ hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội của cấp ủy, chính quyền các cấp nơi có đồng bào DTTS sinh sống. Trên cơ sở đó, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh; các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh đẩy mạnh công tác vận động tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Trong 05 năm gần đây tỉnh đã huy động được 711,55 tỷ đồng để xây dựng trường, lớp và ủng hộ học sinh người DTTS. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt các chế độ, chính sách của tỉnh đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào DTTS, quan tâm bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt việc chi trả, các chế độ chính sách đối với học sinh; phát triển quy mô, mạng lưới các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; quan tâm tới mục tiêu xóa mù chữ và dạy nghề cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS; làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân tham gia các lớp xóa mù chữ và vận động đưa trẻ đi học đúng độ tuổi, năm 2017 tỉnh Hà Giang đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; đến nay, toàn tỉnh có 195/195 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ...

Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giáo dục đào tạo đối với đồng bào DTTS của tỉnh còn một số hạn chế như: Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho vùng đồng bào DTTS, miền núi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục; nhiều trường phổ thông bán trú còn thiếu các công trình như: Nhà bếp, nhà lưu trú cho giáo viên, học sinh, công trình vệ sinh; công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện ở cơ sở còn hạn chế, chủ yếu mới triển khai đến cấp xã và ban giám hiệu nhà trường, chưa phổ biến sâu rộng đến cán bộ, giáo viên và nhân dân...

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách giáo dục đào tạo đối với đồng bào DTTS, tỉnh đề ra một số nhiệu vụ, giải pháp cụ thể như: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy ở vùng có đông người DTTS; tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy tối đa nguồn lực tại địa phương, sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; liên kết, tổ chức các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, thực hiện việc định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, đặc biệt học sinh người DTTS...


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.297
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 2.297
Năm 2024 : 507.643