A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị lý luận và thực tiễn bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hệ thống những quan điểm của Người về Đảng cầm quyền, Nhân dân lao động và trách nhiệm của Đảng đối với Nhân dân, phong trào cộng sản thế giới; là mong muốn của Người về cách mạng Việt Nam: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới…, 50 năm đã trôi qua, nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp cách mạng, nhất là đối với công cuộc xây dựng, đổi mới của đất nước hiện nay.

Bản Di chúc có giá trị như một công trình lý luận về Đảng cầm quyền và công tác xây dựng đảng. Người khẳng định: Đảng ta là Đảng cầm quyền. Muốn vậy, Đảng phải luôn được củng cố vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và gắn bó máu thịt với Nhân dân. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần đoàn kết trong Đảng. Người viết:“Cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bên cạnh đó, công tác xây dựng đảng cần gắn với nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Bác còn đặc biệt quan tâm đến việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” và cho rằng đây là “một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người xác định rõ, thế hệ đoàn viên thanh niên chính là lực lượng kế tiếp sự nghiệp cách mạng của Đảng, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ - những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Trong Di chúc, Người cũng khẳng định sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bạn bè quốc tế.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tác phẩm về xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bác đã vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê nin vào hoàn cảnh của Việt Nam để nêu lên những luận điểm, lập luận khoa học về sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Người quan niệm: Đổi mới là một tất yếu, nhưng cũng là một cuộc đấu tranh bền bỉ, gian khổ “Là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”. Từ hệ thống lý luận đã xây dựng, Người chỉ rõ nhiệm vụ của công cuộc đổi mới ở nước ta là hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và mở rộng các ngành nghề kinh tế, phát triển công tác vệ sinh y tế; sửa đổi chế độ giáo dục. Người khẳng định: Nền tảng của đổi mới, chính là phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; nguồn lực đổi mới cũng chính là Nhân dân, do đó phải “Động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay, chúng ta phải vận dụng những quan điểm, lời dạy của Người được thể hiện trong bản Di chúc để tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tiếp tục củng cố, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để đảm nhiệm vai trò chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Trọng tâm là: (1) Phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, Đảng Cộng sản là nhân tố cơ bản hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, các tổ chức đảng, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Việc nêu gương phải thực chất trong từng công việc và cuộc sống, hết sức tránh hình thức, sáo rỗng. (2) Tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển bền vững, nhân văn, gắn với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Do đó, mọi đường lối, chiến lược, kế hoạch của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước đều vì hạnh phúc của Nhân dân, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. (3) Không ngừng chăm lo củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để cố kết toàn dân tộc. Mọi đường lối, chính sách của Đảng phải thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của Nhân dân, được đông đảo Nhân dân tham gia bàn bạc và thực hiện, có như thế mới huy động được sức mạnh toàn dân vào sự nghiệp cách mạng. (4) Xây dựng tinh thần quốc tế vô sản chân chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế.Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc giữ gìn và tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, với Nhân dân các nước trên thế giới, nhất là các nước đã giúp đỡ, ủng hộ chúng ta trong lịch sử, càng trở nên cần thiết. Đồng thời, đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ, phấn đấu vì hòa bình, tiến bộ của thế giới và nhân loại.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.470
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 2.470
Năm 2024 : 507.816