A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận diện, ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”

Thời gian gần đây “tín dụng đen” bùng phát tại nhiều địa phương, từ bí mật, giấu diếm đến công khai, dẫn tới nhiều hệ lụy về an ninh, trật tự cho xã hội. Để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng “đen” cần thiết phải nhận diện được nó và thực hiện đồng thời các giải pháp, trong đó cần có sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng và người dân.

“Tín dụng đen” được hiểu đó là những giao dịch dân sự giữa người vay và người cho vay mà không qua ngân hàng. Đặc trưng cơ bản của “tín dụng đen” là có lãi suất cho vay cao, trong khi thủ tục vô cùng đơn giản so với các hoạt động tín dụng chính thức Ngân hàng hiện nay. Khách hàng của hoạt động “tín dụng đen” rất đa dạng, từ những chủ cửa hàng vàng lớn đến những người dân “Cùng quá hóa quẫn”, hoặc có tâm lý ngại các thủ tục và điều kiện chặt chẽ của Ngân hàng. Hậu quả, người đi vay phải chịu sự gia tăng chóng mặt của món nợ theo thời gian. Các tổ chức “tín dụng đen” hoạt động dưới hình thức công ty cho vay, công ty cho thuê tài chính, các cơ sở cầm đồ thế chấp tài sản, chơi hụi, chơi hội và thực hiện nhiều chiêu thức nhằm lôi kéo người dân rơi vào “bẫy nợ” như quảng cáo, tờ rơi, lợi dụng các mối quan hệ, lòng tin để dụ dỗ người dân tham gia. Tinh vi hơn, là hình thức lợi dụng kẽ hở của pháp luật dùng phương thức làm giả hợp đồng mua bán tài sản, cho thuê tài sản nhằm tránh truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi người vay tiền không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn, các đối tượng đầu gấu, xăm trổ có tiền án được thuê để “đòi nợ”. Những đối tượng này sử dụng nhiều hình thức côn đồ, lưu manh, bất chấp luật pháp để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 4 năm qua, cả nước đã có tới 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, rất nhiều gia đình mất nhà, nhiều người phải tìm đến cái chết… do “tín dụng đen”.

Để ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, cùng với sự đấu tranh của lực lượng công an, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực và đã đạt được những kết quả nhất định như: Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở các chi nhánh; mở rộng và phát triển hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân; thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội; đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thanh toán để giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng… 

Đối với Hà Giang, trong Quý I/2019, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương và sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp, nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra; đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng ngành kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, chính sách cho vay nhà ở xã hội, cho vay tiêu dùng, các chương trình tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên…, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn tín dụng không chính thức. Tính đến hết 31/3/2019, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho nền kinh tế đạt 20.163 tỷ đồng. 

Tuy nhiên để ngăn chặn, đẩy lùi được “tín dụng đen”, bên cạnh việc triển khai các giải pháp của ngành chức năng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cần cam kết không tham gia “tín dụng đen”; tuyên truyền, giáo dục cho người dân nhằm tăng cường năng lực nhận thức pháp luật, ý thức cảnh giác, không tự biến mình thành con nợ chìm trong bẫy “tín dụng đen”.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.667
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 2.667
Năm 2024 : 508.013