A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Dịch tả lợn Châu Phi và cách phòng, chống

Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm ở lợn nhà và lợn rừng với tỷ lệ tử vong lên tới 100% vì chưa có vắc xin điều trị. Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết dịch tả lợn Châu Phi là lợn có biểu hiện sốt cao trên 40 độ C. 

Chốt chặn kiểm dịch việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn tại thôn 
Nà Vuồng, xã Yên Phong, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Nguồn ảnh: Báo Hà Giang


Tại Việt Nam, ngày 19/2/2019, Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chính thức ra thông báo dịch  tả lợn Châu Phi đã bùng phát thuộc tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Từ ngày 01/02-27/3/2019 dịch bệnh đã xảy ra tại 529 xã, 96 huyện của trên 20 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Quảng Trị, Vĩnh Phúc...) với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 82 nghìn con. Giai đoạn đầu, bệnh dịch tả lợn Châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt, tuy nhiên đến nay đã lây lan sang các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. 

Có thể nói dịch tả lợn Châu Phi không ngừng diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam là nước có phần lớn các hộ gia đình thực hiện chăn nuôi lợn theo hình thức nhỏ lẻ, do đó tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát và lan rộng rất nhanh, gây thiệt hại lớn cho hộ chăn nuôi. Hơn nữa dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần thiết triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn. Do đó, mọi người dân cùng cơ quan chức năng cần phối hợp để kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua địa phương. Thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch vận chuyển. Đối với người nuôi lợn cần nhanh chóng khai báo bất kỳ trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi (Lợn chết hoặc còn sống) cho cơ quan thú y vì đặc điểm của dịch là không chết cả đàn mà chết từ từ; tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh khu chăn nuôi và tại các chợ; không cho khách tới thăm khu nuôi, tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với đàn lợn. Không cho lợn ăn thức ăn thừa không đảm bảo hay đồ ăn có chứa thịt; không cho hoặc bán lợn chết cho người khác và không dùng lợn bệnh làm thức ăn cho động vật; không vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm có nguồn gốc lợn nhà hoặc lợn rừng (Sản phẩm làm tại nhà) ra, vào vùng có dịch trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi được tiêu hủy trên địa bàn. 

Tuy nhiên dịch bệnh tả lợn Châu Phi không gây bệnh trên người, do vậy người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm từ thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh; cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu kỹ trước khi dùng, tránh các sản phẩm từ nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh… 

Trước diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi, rất cần các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và người dân cùng phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thì bệnh dịch tả lợn Châu Phi mới có thể được ngăn chặn, đẩy lùi tại địa phương.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.666
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 2.666
Năm 2024 : 508.012