A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong bầu cử

Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước, với bao thế hệ đã hy sinh xương máu để giành lại quyền thiêng liêng cho dân tộc là độc lập, tự do, dân chủ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”. Tại Điều 2 và Điều 6, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân,… Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”, “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Thực tế qua nhiều cuộc bầu cử, bên cạnh số đông cử tri tâm huyết với đất nước, nêu cao trách nhiệm công dân thì một bộ phận cử tri coi sự kiện chính trị này không liên quan đến bản thân, gia đình mình nên bàng quan, lơ là với việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, biểu hiện là: Có tư tưởng đi bầu cho xong để khỏi bị tổ dân phố, chính quyền địa phương nhắc nhở; nhờ người khác bầu hộ, một người đi bầu cử cho cả nhà, thậm chí không tham gia bỏ phiếu với lý do bận việc. Bên cạnh đó, một bộ phận cử tri không tìm hiểu kỹ về nhân thân, chương trình hành động của các ứng cử viên, không căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu để so sánh, lựa chọn người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Có cử tri khi cầm lá phiếu trong tay vẫn chưa biết số lượng đại biểu được bầu, chưa hiểu biết về từng ứng cử viên, nên gạch tên đại biểu một cách vô thức, cảm tính, rồi bỏ vào hòm phiếu để được đóng dấu “Đã đi bầu”… Chính những biểu hiện này công dân không những tự mình tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của mình, mà đó còn thể hiện thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc.

Cùng với đó, càng gần đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch, phản động càng tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm, như: Đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc bầu cử; xuyên tạc cho rằng công tác nhân sự của Quốc hội đã được sắp đặt sẵn; việc cho phép tự ứng cử chỉ là chiêu bài dân chủ của Đảng; người tự ứng cử ĐBQH luôn gặp nhiều trở ngại khi nộp, nhận hồ sơ và chịu sự sàng lọc có chủ ý của Đảng tại các cuộc hiệp thương; vu cáo Việt Nam mở một chiến dịch để ngăn chặn những ứng viên độc lập vào Quốc hội; bôi nhọ, hạ thấp uy tín một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở địa phương, Trung ương tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp… Từ đó, nhằm làm mất niềm tin của cử tri với ĐBQH và đại biểu HĐND, với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gây ngộ nhận trong cử tri, tác động cử tri không bỏ phiếu bầu cho những đồng chí thực sự xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp mà bỏ phiếu theo chủ đích của các thế lực thù địch, phản động…

Để Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, mỗi công dân Việt Nam cần nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích của Cuộc bầu cử; bầu cử là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân; nắm rõ quy định và thể lệ bầu cử; tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri để hiểu rõ về các ứng cử viên… Từ đó, khi cầm trên tay tờ phiếu bầu có thể sáng suốt lựa chọn những đại biểu thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Cùng với đó, phải là người có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, luôn tỉnh táo, đề cao cảnh giác và đấu tranh trước âm mưu và thủ đoạn nhằm phá hoại Cuộc bầu cử của các thế lực thù địch, phản động. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, để bảo vệ chính mình và gia đình, thể hiện rõ lòng yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng, khi đi bầu cử, mỗi cử tri cần nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 59
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 59
Năm 2024 : 505.405