A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác và bước ngoặt của cách mạng Việt Nam

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh thống khổ lầm than, tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương, Nguyễn Tất Thành sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng không tán thành con đường cứu nước của họ. Sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Ngày 05/6/1911, rời bến cảng nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville lên đường sang Pháp với tên gọi Văn Ba với quyết tâm đến tận nơi được cho là tinh hoa và tiến bộ của các nước phương Tây để tìm hiểu và tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Trong vòng 10 năm (từ năm 1911-1920), Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 03 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Với những chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, Người đã bổ sung cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát. Từ đó, Người đã rút ra kết luận: Chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.

Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 03 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa Xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28/01/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pác Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa nóng. Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và là tiền đề quan trọng cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911 có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo nên những bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Việc lựa chọn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, Bác đã mở ra cho cách mạng nước ta một phương hướng đấu tranh mới-đấu tranh bằng Cách mạng vô sản đã giành được thắng lợi to lớn đem lại Độc lập-Tự do-Hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam như: Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, với thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945; Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 giải phóng Miền Bắc; Chiến thắng 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa với sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua thành công, đem lại cho đất nước những thành tựu trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội..., đời sống người dân được tự do, ngày càng ấm no, hạnh phúc như tâm nguyện và mục tiêu ra đi tìm đường cứu nước của Bác.

Nhắc lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước 109 năm về trước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, mỗi chúng ta đều khắc ghi sâu trong tim lòng biết ơn vô hạn về những hy sinh và đóng góp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước, dân tộc Việt Nam và nguyện hứa với Bác thường xuyên học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng vững mạnh.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 162
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 162
Năm 2024 : 505.508