A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ - hệ lụy và giải pháp đấu tranh

Cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ là “Căn bệnh” rất nguy hiểm và được biến hóa rất tinh vi trong thực hiện nguyên tắc, quy chế, quy định, quy trình của công tác cán bộ. “Căn bệnh” này làm chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết, mất niềm tin của cán bộ vào tổ chức, xa rời quần chúng nhân dân, dẫn đến suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, nhận diện và kiên quyết đấu tranh, loại bỏ “Căn bệnh” nguy hiểm này, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu, uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng là vấn đề cấp bách hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời đánh giá cao vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Người đã sớm phát hiện những “Lỗ hổng” và hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ đó là “Cục bộ, bè phái”. Biểu hiện của căn bệnh cục bộ, bè phải được nhận diện rõ như: Tư tưởng “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, “Hậu duệ”, “Đồ đệ”, “Địa phương chủ nghĩa”, “Lợi ích nhóm”… dẫn đến việc xem xét, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ sai lệch, nảy sinh cơ hội, tham nhũng và nhiều căn bệnh khác nguy hại cho Đảng, cho tổ chức. Dễ nhận thấy là hành vi trái nguyên tắc, vi phạm dân chủ, đề cao cá nhân, độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, thậm chí biến cơ quan thành “Gia đình trị”, để rồi xuất hiện những “Cấp ủy nội tộc”, “Chi bộ dòng họ”, “y ban dòng họ”… Điều đó tất yếu làm nảy sinh các hành vi: Xu nịnh, tâng bốc, bao che khuyết điểm; dìm người tốt, người thẳng thắn, trung thực; thậm chí vi phạm nguyên tắc trong bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm bằng các hành vi vận động hành lang, vận động dòng họ, vận động không bầu cho cán bộ luân chuyển từ địa phương khác đến, rỉ tai, mua chuộc, ép buộc, đe dọa những người không a dua theo; cất nhắc, bổ nhiệm những người thân quen không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, uy tín, rồi bao biện “Cho nợ tiêu chí”, “Bồi dưỡng sau, vừa làm vừa bồi dưỡng”…

Những biểu hiện trên của “Căn bệnh” này dẫn đến hậu quả rất nguy hại, làm chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết, mất niềm tin của cán bộ vào tổ chức, xa rời quần chúng nhân dân, làm Đảng mất nhân tài. Đây cũng chính là căn nguyên thúc đẩy “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm mất sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, làm suy yếu Đảng và đội ngũ cán bộ của Đảng… Từ đó tạo cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận thành tựu của công tác xây Đảng nói chung, công tác cán bộ của Đảng ta nói riêng. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta hiện nay và trước thềm đại hội đảng các cấp, một trong những nhiệm vụ của đại hội là công tác nhân sự, các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách đưa ra những luận điệu phản động vô cùng nguy hiểm gán cho đó là những tư tưởng, hành vi “Cục bộ”, “Bè phái” để rồi đánh vào ý chí, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhằm gây mất an ninh trật tự, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh nguyên tắc: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Để làm được việc này trước tiên cần phải khắc phục được tư tưởng, hành vi “Cục bộ”, “Bè phái”. Theo đó mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao trách nhiệm nêu gương trong việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng; luôn quan tâm chăm lo xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững và phát huy dân chủ; tôn trọng những đảng viên có ý kiến khác biệt nhưng không làm phương hại đến mục tiêu, lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và đất nước; chú trọng giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chín chắn để không bị người khác lèo lái vì những động cơ, mục đích thiếu lành mạnh; có thái độ trung thực công tâm và nói “Không” với các biểu hiện theo đuôi, a dua sai trái; rèn luyện đức tính khiêm nhường để lắng nghe, học hỏi, tiếp thu cái hay, cái tốt của đồng chí, đồng đội và cũng là để tránh xa thái độ hẹp hòi khi nhìn nhận, đánh giá người khác; có tinh thần cao thượng để ứng xử thân thiện, nhân nghĩa với anh em trong cơ quan, đơn vị, không để “Cái tôi” cá nhân lấn át “Cái ta”, làm cho tập thể dễ dẫn đến những rạn nứt, sứt mẻ không đáng có trong nội bộ. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên cần chú trọng giải quyết hài hòa, xử lý đúng đắn các mối quan hệ chung-riêng, tập thể-cá nhân, xã hội-gia đình; không để tư duy, quan niệm, lối sống duy tình, thân hữu chi phối vào việc công, lợi ích công và ảnh hưởng đến các mối quan hệ, đoàn kết thống nhất trong tổ chức, cơ quan, đơn vị.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 318
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 318
Năm 2024 : 505.664