A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan điểm của Đảng về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới

BTGDV - Với việc luận giải quan điểm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc, bài viết khẳng định khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự phát triển lý luận của Đảng ta thông qua phân tích ba khía cạnh cơ bản: xác định mục tiêu thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; xây dựng, đổi mới, phát huy vai trò của hệ thống chính trị; phát huy vai trò, sức mạnh của các chủ thể, lực lượng trong xã hội để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

Tin tức, hình ảnh, video clip mới nhất về 76 năm ngành Quản lý đất đai

Khơi dậy khát vọng là động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc_Ảnh: IT

1. Mở đầu

Xuyên suốt chiều dài 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta không ngừng bổ sung, phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH. Quan điểm về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong Văn kiện Đại hội XIII được xác lập dựa trên nền tảng truyền thống dân tộc, được phát triển qua các chặng đường lịch sử; là khát vọng mang sức sống hiện thực, trên cơ sở nhận thức khoa học về lộ trình hướng đích, với những bước đi rõ ràng.

2. Nội dung

2.1. Khát vọng phát triển đất nước trong lịch sử dân tộc

Ngay từ thời kỳ dựng nước, trong tư tưởng và hành động của các nhà yêu nước đã nung nấu ý chí, khát vọng xây dựng một xã hội phát triển phồn vinh. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, các thế lực phong kiến phương Bắc luôn tìm cách đồng hóa dân tộc Việt Nam. Song với sức mạnh của khát vọng về nòi giống “con rồng, cháu tiên”, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã kiên trì, bền bỉ đấu tranh để giữ vững “hồn quốc”. Người phụ nữ Việt Nam Triệu Thị Trinh với câu nói đầy hào khí: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”(1), là một sự minh chứng cho tinh thần và khát vọng độc lập dân tộc trong giai đoạn này. Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần là minh chứng về ý chí, khát vọng vua - tôi đoàn kết một lòng, để ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông. Từ nửa sau thế kỷ XVIII, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ phất cờ khởi nghĩa, với khí thế và quyết tâm: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để răng đen /Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri, Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”(2), đã huy động sức mạnh ý chí, khát vọng của nhân dân để làm nên những chiến công vang dội, đập tan cuộc xâm lược của quân Thanh, giữ vững bờ cõi cho dân tộc.

Đưa quân xâm lược nước ta, thực dân Pháp áp đặt chế độ cai trị hà khắc và tàn bạo đối với dân tộc ta. Đất nước mất độc lập, nhân dân mất tự do. Khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta, nhân dân ta lúc đó là độc lập, tự do. Nhiều phong trào yêu nước chống thực dân Pháp đã diễn ra liên tục và sôi nổi. Dù các phong trào thất bại, nhưng đã thể hiện tinh thần, ý chí, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc ta.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, khát vọng ấy tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân là khát vọng lớn nhất, thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu!”(3). Đây là động lực to lớn để Hồ Chí Minh vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tìm đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(4).

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ khơi dậy, truyền cảm hứng để thực hiện khát vọng giành độc lập, tự do và phát triển đất nước. Trước Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh khẳng định: nước Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản, bảo đảm những giá trị tốt đẹp trên các phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Trong Chánh cương vắn tắt, Người khẳng định: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(5). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người đã nêu khát vọng mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng một đất nước giàu mạnh. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(6). Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”(7).

Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”(8). Với khát vọng cháy bỏng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc Việt Nam kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cả nước tiến lên CNXH.

2.2. Quan điểm khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), Đảng ta lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước, với khát vọng đưa đất nước tiến lên. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.

Quan điểm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Đảng ta thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản:

Thứ nhất, về xác định mục tiêu thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Mục tiêu xuyên suốt được Đảng ta xác định là độc lập dân tộc gắn với CNXH, với khát vọng xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(9).

Mở đầu sự nghiệp đổi mới, Đại hội VI xác định: “Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo(10). Đại hội VII xác định: “Mục tiêu đặt ra cho chúng ta 5 năm tới là: vượt qua những khó khăn gay gắt trước mắt, tăng cường ổn định chính trị, đưa đất nước cơ bản ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội”(11). Đại hội VIII với mục tiêu: “Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”(12). Đại hội IX xác định mục tiêu cần đạt là: “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(13). Đại hội XI, xác định mục tiêu là: “… phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ...”(14). Đại hội XII xác định: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(15).

Đại hội XIII chủ trương khơi dậy một tầm cao mới khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và điều này được thể hiện ngay ở chủ đề Đại hội: “… khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(16). Khát vọng phát triển được xác định cụ thể các bước: “Đến năm 2025…: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030…: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045…: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(17).

Khát vọng, mong muốn, ước vọng của nhân dân ta xây dựng xã hội XHCN phồn vinh, hạnh phúc “mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”, khơi dậy khát vọng là động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Mục tiêu thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được bổ sung ở định hướng, nhiệm vụ, các đột phá chiến lược.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều bài viết, bài nói đã tiếp tục khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: “Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”(18).

Như vậy, trong thời kỳ mới, Đảng đã nhận thức rõ mục tiêu, khát vọng của dân tộc, đồng thời xác định các bước hiện thực hóa khát vọng. Đường lối đổi mới đất nước qua mỗi kỳ Đại hội được bổ sung, hoàn thiện, trong đó quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là hướng tới mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, giàu mạnh, hùng cường.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị để thực hiện khát vọng phát triển đất nước

Đối với Đảng: Để thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(19). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức, là văn minh”; chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo, xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn”(20); đối với cán bộ, đảng viên “dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng”(21). Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ...”(22). Đảng phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, “nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn”(23).

Đối với Nhà nước: Để tổ chức thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta xác định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”(24). Đây là quan điểm được Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XIII, là một trong mười hai định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”(25).

Điều này cho thấy, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ được Đảng ta đặc biệt quan tâm trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: để thực hiện tốt vai trò xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần đổi mới, năng động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hơn nữa việc tập hợp các tầng lớp nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng chung sức, đồng lòng tạo nên sức mạnh to lớn để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng xác định, trong thời gian tới cần: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội”(26).

Thứ ba, phát huy vai trò, sức mạnh của các lực lượng trong xã hội để thực hiện mục tiêu khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Đối với giai cấp công nhân: Giai cấp công nhân là lực lượng đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, Đảng ta xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân....”(27). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn liền với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giai cấp công nhân vững mạnh”(28).

Đối với giai cấp nông dân: Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đảng ta xác định: “Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị”(29).

Đối với trí thức: Trí thức có vai trò quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển đất nước; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Đảng ta xác định: “Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức”(30).

Đối với doanh nhân: Doanh nhân “là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(31). Đảng ta xác định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng. Khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội. Tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(32).

Đối với thanh niên: Thanh niên là “rường cột nước nhà”, là lực lượng có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế. Đảng ta xác định:Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(33).

Đối với các tôn giáo: Ở Việt Nam, đồng bào các tôn giáo đông đảo, sống “tốt đời, đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc”, tích cực tham gia xây dựng, phát triển đất nước. Đại hội XIII xác định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”(34), “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”(35) để phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

3. Kết luận

Quan điểm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không phải nhận thức đơn giản, chủ quan, mà là quan điểm được xây dựng trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; những khó khăn, trở ngại cần khắc phục, thích ứng, vượt qua. Đây là khát vọng mang sức sống hiện thực với mục tiêu, bước đi, cách thức, lực lượng thực hiện rõ ràng và là sự tiếp nối khát vọng đã được xác định từ giai đoạn trước đó. Khát vọng, mong muốn, ước vọng của nhân dân ta xây dựng xã hội XHCN phồn vinh, hạnh phúc “ trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người(36), khơi dậy khát vọng là động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 

TS LÊ VĂN PHỤC
Học viện Chính trị khu vực III
TS TRẦN THỊ MINH TRÂM
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

_________________

Ngày nhận bài: 19-01-2025, ngày bình duyệt: 9-3-2025: ngày duyệt đăng:5-5-2025.

Email tác giả: lephuchv3@gmail.com

(1) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, t.2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.130.

(2) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.201.

(3) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, t.1Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.86.

(4), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.627, 131, 617.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, 2011, tr.1.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, 2011, tr.64.

(9), (20), (21), (28), (36) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.24, 375, 379, 293-294, 21.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.376.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Sđd, 2007, tr.40.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.55, Sđd, 2015, tr.307.

(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.24.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, 2011, tr.320.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, 2016, tr.76.

(16), (17), (19), (24), (26), (27), (32), (33), (34) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Sđd, 2021, tr.14, 112, 180, 118, 172, 166, 167-168, 168, 171.

(18), (22), (23), (25) xem: Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, https://dangcongsan.vn, ngày 31-10-2024.

(29) ĐCSVN: Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(30) ĐCSVN: Nghị quyết số 45-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

(31) ĐCSVN: Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

(35) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, 2021, tr.141.


Nguồn: Tạp chí Lý luận Chính trị
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.586
Hôm qua : 3.047
Tháng 05 : 19.886
Năm 2025 : 273.398