A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới

Ngày 31/8/2020, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã có bài viết quan trọng “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”. Để tạo sự thống nhất từ nhận thức cho đến hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công tác tổ chức đại hội đảng cấp trên cơ sở, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong bài viết, trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:

       Thứ nhất, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (xây dựng tổ chức, xây dựng con người) cần được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thấm nhuần sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do đó, công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Thứ hai, trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cần có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Khắc phục sự yếu kém, chậm trễ trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ; đồng thời bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động.

Thứ ba, trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, cần hết sức chú trọng tính đồng bộ, toàn diện để vừa đáp ứng những mục tiêu cấp bách, trước mắt, giải quyết dứt điểm những yếu kém, ách tắc, tồn đọng; vừa xây dựng đồng bộ thể chế phát triển để thực hiện các mục tiêu lâu dài, cơ bản và bền vững của đất nước theo hướng bảo đảm hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực sự coi trọng, phát huy vai trò của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong điều kiện mới.

Thứ tư, trong vấn đề quốc phòng, an ninh và đối ngoại, cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, chủ động có những phương án đối phó, không để bị động, bất ngờ; xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước bạn bè truyền thống và các nước láng giềng; vừa quan tâm đến việc nâng cao uy tín, hình ảnh của đất nước, vừa hết sức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn ráo riết chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.

Thứ năm, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, cần kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 171
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 171
Năm 2024 : 505.517