A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc ý nghĩa lịch sử Cách mạng tháng Tám của các thế lực thù địch, phản động

Cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, ngày 02/9 trên Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Nhà nước công nông đầu tiên ở Đồng Nam Á. Sự kiện Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 02/9 đã đi vào lịch sử dân tộc, mở ra thời kỳ lịch sử mới, có ý nghĩa trọng đại của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, lâu nay, đi ngược lại với dòng thác cách mạng của đất nước, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị luôn tìm cách tung ra luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận lịch sử truyền thống dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo, vu cáo Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, chúng ta cần phải cảnh giác, đấu tranh.

Thứ nhất, các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách xuyên tạc nhằm hạ thấp tầm vóc, bôi nhọ thành công của Cách mạng tháng Tám của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng cho rằng: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của Cộng sản Việt Minh.

Hơn ai hết, nhân dân ta là người hiểu rõ, thấu đáo giá trị và ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Thắng lợi đó là kết quả của quá trình đấu tranh, hy sinh xương máu của toàn thể dân tộc Việt Nam suốt 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng kể từ ngày thành lập. Và đó còn là kết quả hơn 30 năm tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Để cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, Đảng, Bác Hồ và toàn dân ta đã phải chuẩn bị toàn diện thực lực cách mạng từ nhiều năm trước. Vào đầu năm 1941, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới, Bác Hồ về nước và Người đã cùng Trung ương Đảng kịp thời nắm bắt tình hình, đề ra chiến lược, sách lược, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị lực lượng, đào tạo, huấn luyện cán bộ, tổ chức, động viên, lãnh đạo toàn dân chớp thời cơ chín muồi đứng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Năm 1943, trước diễn biến mới của tình hình, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền Pháp ở Việt Nam. Ngay tối hôm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và ngày 12/3/1945 ra Chỉ thị lịch sử: “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ta đã phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước trong toàn quốc làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa và thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật-Pháp” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Trước không khí sục sôi cách mạng của quần chúng, khẩu hiệu “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” mà Đảng đưa ra đã đáp ứng nguyện vọng khẩn thiết của đại đa số nhân dân. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Ngày 16/8/1945, “Quốc dân Đại hội Tân Trào” thông qua “10 Chính sách lớn của Việt Minh”; quyết định quốc kỳ, quốc ca và bầu Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14/8 và đã giành thắng lợi trên cả nước, với ngày 19/8 ở Hà Nội, ngày 23/8 ở Huế, ngày 25/8 ở Sài Gòn,… Như vậy, chỉ trong 15 ngày, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên cuộc cách mạng “Long trời, lở đất”, tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc. Đây là sự thật lịch sử chứ không phải như ai đó cố tình xuyên tạc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của Cộng sản Việt Minh.

Hai là, xuyên tạc thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là mở ra thời kỳ Đảng đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, một đảng duy nhất nắm quyền thống trị với một nhà nước “Chuyên chính vô sản”.

Chúng cho rằng, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng nắm được quyền thống trị toàn đất nước, thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Như chúng ta biết, Điều 4 (Hiến pháp 2013) chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội quân tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Các tổ chức đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Thực tế trong đời sống chính trị, xã hội đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Ngoài lợi ích của dân tộc, phụng sự Tổ quốc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng lấy “Tập trung dân chủ”, “Đoàn kết thống nhất”, “Tự phê bình và phê bình”… là những nguyên tắc tổ chức hoạt động của mình. Cùng với đó là thực hiện mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Xét trên cơ sở chính trị, pháp luật, thực tiễn như vậy tại sao lại nói là thể chế chính trị ở Việt Nam là độc tài, bác đoạt nhân quyền, mất tự do, dân chủ? Thực tế, đằng sau sự vu cáo thâm độc này là cổ xúy cho thể chế đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thúc đẩy “Xã hội dân sự”, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đồng lòng đoàn kết của nhân dân, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Để gìn giữ, phát huy những thành quả đã đạt, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết cần hiểu đúng, nhận thức rõ về ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của Cách mạng tháng Tám và biết phát huy truyền thống, tinh thần, bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời luôn tỉnh táo, đề cao cảnh giác, nhận rõ những âm mưu và hành động thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động để kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 169
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 169
Năm 2024 : 505.515