A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác, đấu tranh với những thủ đoạn lợi dụng góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng để chống phá

Lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo các văn kiện đại hội đảng là một công việc hệ trọng trong Đảng ta. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là truyền thống phát huy dân chủ trong Đảng; đồng thời, thể hiện sự gắn bó hữu cơ “Giữa Đảng với Nhân dân”, “Giữa lý luận với thực tiễn phong phú, sinh động” qua đó tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các văn kiện. Tuy nhiên, như một điệp khúc quen thuộc, lợi dụng chúng ta tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo đại hội đảng các cấp, nhất là các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, thì các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội chính trị núp dưới bóng “Góp ý” lại gia tăng các hoạt động tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, chống phá Đảng ta một cách quyết liệt. Bởi vậy, cảnh giác và đấu tranh vạch trần các thủ đoạn đó là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay.

Thời gian gần đây, thông qua các trang mạng xã hội, blog hải ngoại, dưới hình thức “Thư ngỏ”, “Thư góp ý”, “Trao đổi về Đại hội XIII, Đảng cộng sản Việt Nam”… các thế lực thù địch, phản động đăng tải các bản “Góp ý cho Đại hội XIII”, bằng những lập luận không kém phần logic với những câu từ được trau chuốt bóng bẩy, để mưu đồ tấn công một cách ác ý vào văn kiện của Đảng, hòng làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và giá trị các văn kiện Đại hội Đảng. Các nội dung chúng tập trung chống phá là đường lối, quan điểm Đại hội XII của Đảng và công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

 Tập trung chống phá đường lối, quan điểm Đại hội XIII của Đảng, chúng cho rằng, văn kiện Đại hội lần này cũng chỉ là sự sao chép và biến tấu từ văn bản các đại hội trước; nội dung không có giá trị gì với sự phát triển đất nước, mà ngược lại là nhân tố kìm hãm sự tiến bộ của dân tộc ta. Bởi vậy, cũng như trước đây, văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ là những vấn đề sáo rỗng, giáo điều, bảo thủ; khư khư ôm giữ chủ nghĩa Mác-Lênin để duy trì quyền lực của Đảng mà thôi. Đây là thể hiện ý chí của thiểu số, chỉ là sự “Khoa trương, hoa mỹ về thành tựu thời kỳ đổi mới”… Từ đó họ kiến nghị lấy lại tên Đảng, tên Nước trước đây cho “Hợp với lòng dân” và để “Quy tụ được ý chí của toàn dân tộc”, khởi động tinh thần Việt Nam, kết thành sức mạnh to lớn vượt qua mọi thách thức, chớp lấy thời cơ, đưa đất nước tiến lên. Và trước việc Đảng, Nhà nước ta xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, thì họ xuyên tạc là “Thanh trừng nội bộ”, “Trả thù cá nhân”… Từ đó, họ kích động các đối tượng bất mãn viết bài tung lên mạng xã hội, tạo dư luận đòi: Việt Nam phải “Thay đổi toàn bộ khung, sườn”, tức là xóa bỏ chế độ “Độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản”, thực thi “Đa nguyên, đa đảng”.

 Thực tiễn minh chứng kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (03/02/1930), Đảng ta đã có 12 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc. Mặc dù, mỗi đại hội diễn ra trong những bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng các văn kiện Đại hội Đảng đều chứa đựng những giá trị nội dung và ý nghĩa to lớn về cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa của đất nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Ý Đảng, lòng dân là một đã tạo sức mạnh vô song, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, đưa đất nước đến độc lập, tự do, hạnh phúc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Việt Nam đã đoàn kết tiến hành công cuộc đổi mới và giành nhiều thắng lợi, từ một đất nước nghèo, trình độ thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển; đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao.

 Cùng với việc tập trung chống phá đường lối, quan điểm Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh công kích, xuyên tạc về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Chúng xuyên tạc cho rằng: Quy hoạch nguồn cán bộ của Đại hội là “Thiếu minh bạch”, vì “Lợi ích nhóm”; là “Xóa bỏ quyền của các đại biểu dự đại hội”; là “Tước đi quyền tự do, dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử của các đại biểu dự Đại hội”...

Thực tiễn để chuẩn bị cho Đại hội, công tác quy hoạch nguồn cán bộ được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chuẩn bị chặt chẽ, thống nhất. Căn cứ kế hoạch tổng thể, cán bộ trong diện quy hoạch được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển công tác để rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, với nhiều cương vị công tác từ thấp đến cao. Quá trình này được các cấp tiến hành chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; kiên quyết không để những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng… vào cấp ủy khóa mới. Rõ ràng, đây là bước chuẩn bị nhân sự chủ động từ sớm, từ xa, khoa học và công khai của các cấp cho Đại hội XIII.

Quan tâm đến vận mệnh của Đảng, của đất nước là quyền, nhu cầu chính đáng của mỗi người dân; đồng thời, đó cũng là một trong những biểu hiện tình yêu với Đảng, với Tổ quốc. Nhưng sự quan tâm, tình yêu đó chỉ thật sự có ý nghĩa khi người dân tham gia phản biện, đóng góp ý kiến cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, thái độ chuẩn mực, động cơ lành mạnh và hướng đến những mục tiêu chung, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Còn những ý kiến “Biện” ít, “Phản” nhiều, thiếu tính xây dựng và mang tính kích động nhằm làm rối ren thêm tình hình thì chúng ta phải kiên quyết “Vạch mặt, chỉ tên” để đấu tranh loại bỏ. Đến nay, các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, được Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị công phu, qua nhiều lần lấy ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, đảng viên… và sẽ tiến hành lấy ý kiến tham gia của toàn dân. Quá trình lấy ý kiến góp ý, Trung ương sẽ “Bình tĩnh lắng nghe, trân trọng, cân nhắc thật kỹ, tiếp thu tối đa mọi ý kiến” để hoàn thiện và trình Đại hội XIII xem xét, quyết định. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân khi tiếp cận với những thông tin, tài liệu tán phát trên mạng cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt... tránh bị cuốn theo những giọng điệu mỹ miều, xảo trá của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội mà dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin với Đảng và chế độ. Đồng thời kiên quyết phủ nhận, đấu tranh với những hành vi lợi dụng sự “Góp ý với Đảng” để chống phá, từ đó góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 169
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 169
Năm 2024 : 505.515