A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII

Trước thềm Đại hội XIII, các thế lực thù địch đang tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ở nước ta, hòng gieo rắc tâm lý hoài nghi, hoang mang trong toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân nhằm làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị bằng thủ đoạn dồn dập phát tán trên Internet, các trang mạng xã hội, các đài phát thanh, báo, tạp chí, website... với các luận điệu xuyên tạc về Dự thảo các Văn kiện trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN)... Do đó, chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh.

         Trước hết các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị gia tăng phát tán, tuyên truyền luận điệu xuyên tạc dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII là quá “xơ cứng”, không có ý tưởng mới, chỉ là sự sao chép, giáo điều, bảo thủ và biến tấu từ các văn bản khác.

Dự thảo các Văn kiện trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã và đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, đảng bộ, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân và có rất nhiều ý kiến đúng đắn, tâm huyết góp ý cho Đảng, Bộ Chính trị lắng nghe, tiếp thu vào dự thảo các văn kiện. Khẳng định chưa có Đại hội nào mà dự thảo văn kiện có tầm đánh giá, bao quát rộng như vậy. Vì việc xây dựng văn kiện lần này được mở rộng, không chỉ đánh giá nhiệm kỳ 05 năm của khóa XII mà còn đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung 2011, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, gắn với 35 năm đổi mới. Đặc biệt, nội dung các dự thảo văn kiện có rất nhiều điểm mới như: Mới trong xác định chủ đề, phương châm chỉ đạo Đại hội; xác định mục tiêu phát triển; xác định ý nghĩa của thành tựu thực hiện công cuộc đổi mới và Cương lĩnh; trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; mới trong dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tới, trong đó bổ sung dự báo về tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; những đòi hỏi của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; hệ lụy của biến đổi khí hậu; chất lượng dân số còn thấp và xu hướng già hóa dân số nhanh; mới trong xác định các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá phát triển trong nhiệm kỳ Đại hội XIII…

Cùng với xuyên tạc, phê phán dự thảo các Văn kiện trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động còn xuyên tạc cho rằng: Đảng CSVN độc tài, giành quyền độc tôn cai trị Việt Nam, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; kêu gọi đòi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận quyền lãnh đạo của Đảng CSVN.

Thực tế cho thấy, vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng CSVN có được như ngày nay không phải là sự ngẫu nhiên. Sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng CSVN có được là do lịch sử, dân tộc và nhân dân Việt Nam giao phó và sự không ngừng phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân của Đảng. Khi đất nước đang lầm than trong chế độ thuộc địa của thực dân, đế quốc, Đảng CSVN đã đề ra đường lối chính trị đúng đắn-giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo toàn dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sau khi đất nước giành được độc lập, thống nhất, nhân dân được tự do, Đảng CSVN tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đã đạt được những thành tựu to lớn. Mặc dù, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng CSVN đối với toàn bộ hệ thống chính trị bắt nguồn từ lịch sử, nhưng sự lãnh đạo, cầm quyền đó vẫn tuân thủ những cơ chế, thiết chế của một nền dân chủ văn minh, đó là chế độ bầu cử, ứng cử tự do, là chế độ nhiệm kỳ đối với các chức vụ quan trọng của Nhà nước, là nhà nước pháp quyền với 03 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp rõ ràng.

Trải qua 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng CSVN và với những thành quả đất nước có được như ngày hôm nay, có thể khẳng định Việt Nam không cần đa nguyên, đa đảng. Vì trên thế giới hiện nay, có không ít những nước đa đảng, nhưng vẫn mất dân chủ, vẫn là những nước nghèo, kém phát triển nhất. Ngược lại, cũng có những nước chỉ một đảng lãnh đạo, nhưng dân chủ vẫn được bảo đảm, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống nhân dân sung túc. Nhìn sang một số nước tư bản hiện nay, mặc dù một nước có nhiều đảng nhưng thực chất trong nước chỉ có số ít đảng thay nhau cầm quyền đất nước. Tuy bên ngoài là chế độ đa đảng đối lập nhưng xét về bản chất chỉ là một đảng-đảng của giai cấp tư sản, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản và ở nước đó, bên cạnh “một xã hội” với những người có cuộc sống xa hoa, hào nhoáng thì vẫn còn tồn tại “một xã hội” hoàn toàn khác hẳn, gồm hàng chục triệu người phải sống trong sự bất công, thất nghiệp, đói nghèo, bệnh tật, không có quyền dân chủ... Như vậy, thực chất luận điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mang nặng tính chất mị dân, hết sức nguy hiểm, bởi rất dễ gây nên sự ngộ nhận, nhất là đối với những người có nhận thức hạn chế. Từ đó, có thể gây nên sự mơ hồ, lẫn lộn, dẫn tới sự dao động về tư tưởng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với cách mạng Việt Nam; gây nên sự phân tâm trong xã hội; làm suy giảm và mất dần niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng CSVN, tạo các mâu thuẫn và xung đột xã hội gia tăng, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc... từ đó làm sụp đổ mọi thành quả cách mạng mà Đảng, nhân dân ta đã gây dựng trong suốt 90 năm qua.

Càng gần đến Đại hội XIII của Đảng các thế lực thù địch càng đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần cảnh giác, nhận diện và có biện pháp đấu tranh ngăn chặn kịp thời để bảo vệ Đảng CSVN, đồng hành cùng với Đảng tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh hơn, có uy tín trên trường quốc tế như sinh thời Bác Hồ đã từng mong muốn.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 158
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 158
Năm 2024 : 505.504