A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Việt Nam có truyền thống dựng nước và giữ nước ngay từ buổi bình minh lịch sử nhà nước Văn Lang-Âu Lạc. Trong dòng chảy lịch sử, chứng kiến cảnh nước nhà lầm than bởi quân xâm lược, người thanh niên Nguyễn Tất Thành luôn sẵn có một ý chí tự lực, tự cường với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng đó đã trở thành động lực thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua muôn vàn khó khăn, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ phai nhạt, Người đã cùng với Đảng dẫn dắt toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng chiến thắng kẻ thù xâm lược, xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự lực, tự cường là tự mình lo công việc của mình và gây sức mạnh cho mình, không lệ thuộc, không phụ thuộc, không trông chờ, ỷ lại. Tư tưởng này được thể hiện rõ ở nhận thức của Người, đó là: Nước ta là nước thuộc địa, nên nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc; không cần ngồi chờ thắng lợi của cách mạng vô sản ở nước Pháp, chúng ta có thể chủ động giành thắng lợi trước cách mạng chính quốc và sẽ tác động trở lại cách mạng chính quốc. Người thấy rõ sức mạnh chủ nghĩa Mác-Lênin là vũ khí không gì thay thế được, nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin là phải gắn với thực tiễn Việt Nam… Từ đó, Người luôn luôn tự lực, tự cường trong việc chuẩn bị đầy đủ các nhân tố về tinh thần và vật chất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ðó là chuẩn bị lực lượng chính trị bằng việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng lực lượng vũ trang bắt đầu từ những đội du kích; xây dựng căn cứ địa cách mạng, đặc biệt là căn cứ địa lòng dân; kết hợp sức mạnh dân tộc-mà hạt nhân là khối đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại. Người chỉ dẫn rằng đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, nhưng phải biết tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế vì “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Người nhấn mạnh tự lực, tự cường gắn với ngoại giao theo hướng “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.

Về tư tưởng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nghĩ tới một xã hội không còn áp bức, bóc lột, bất công; phải có một xã hội có tự do, bình đẳng, bác ái thật sự trên đất nước Việt Nam, chứ không phải giả dối như thực dân Pháp khoe khoang. Bức tranh của một xã hội đẹp đẽ được Hồ Chí Minh phác thảo ngay trong các văn kiện khi thành lập Ðảng về các phương diện xã hội, chính trị, kinh tế và tiếp tục được khẳng định trong Chương trình Việt Minh. Ngay sau khi Việt Nam giành được nền độc lập, Người đặt tên nước Việt Nam gắn với các cụm từ “dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc”. Trong lời dặn trước lúc đi xa Người mong muốn “tột bậc” về một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Tháng 9/1945, trong thư viết gửi cho học sinh, sinh viên nhân ngày khai trường năm học đầu tiên của nước Việt Nam mới, cũng đã thể hiện rõ tư tưởng xây dựng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Theo Người, có độc lập rồi, để đi đến phồn vinh, hạnh phúc thì nhất định phải đi tới chủ nghĩa xã hội. Bởi vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức, nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Theo Người, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chăm lo thực hiện dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ, làm cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, chữa bệnh, có nhà ở.

Ý chí, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, hùng cường cho dân tộc và sự hy sinh, cống hiến trọn đời của Người cho niềm mong ước ấy là tấm gương mẫu mực về trách nhiệm của mỗi người Việt Nam trong bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong bối cảnh quốc tế và những xu hướng phát triển của thời đại, để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đặt ra yêu cầu Đảng, Nhà nước, mỗi người dân phải luôn phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí tự cường và khát vọng phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên xác định 05 quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó, quan điểm về động lực phát triển nêu rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ ý chí, khát vọng của mình, gương mẫu, làm lan tỏa, nhân lên ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc. Cùng với đó tích cực tuyên truyền, khẳng định những thành tựu rất đáng tự hào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được. Góp phần làm cho mọi tầng lớp nhân dân thêm tin tưởng, tự hào, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 26
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.176
Năm 2024 : 570.522