A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bầu cử

Trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu những tư tưởng và mô hình tiến bộ của các chế độ nhà nước trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và đặt nền móng cho một chế độ bầu cử của nhà nước dân chủ thực sự đảm bảo nguyên tắc “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Tư tưởng về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường để Đảng và nhân dân ta phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với quan điểm coi trọng nhân dân, “thân dân”, “vì dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân; mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân; quyền lực chính trị thuộc về nhân dân và phục vụ cho lợi ích của nhân dân… Do đó, Người chỉ ra rằng: Quyền lực của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ Chủ tịch nước đến cán bộ xã đều do nhân dân “ủy thác” (nhân dân trao một phần quyền lực của mình cho nhà nước) và khi hết nhiệm kỳ, Chính phủ sẽ trao lại quyền cho nhân dân, sau đó nhân dân sẽ trao quyền ấy cho một Chính phủ ở nhiệm kỳ mới do dân “tuyển cử”. Người cũng khẳng định: Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là một cuộc vận động chính trị quan trọng, nhằm phát huy vai trò làm chủ thật sự của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; trong cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội càng nhiều cử tri tham gia bỏ phiếu thì càng tốt, bởi theo Người giải thích: “Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”.

Đề cập về ý nghĩa chính trị và tính chất dân chủ của cuộc bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”, “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri…”. Từ đó, Người khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết” và “Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai, gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bầu cử, đến nay nước ta đang hoàn tất những khâu cuối cùng, sẵn sàng đến ngày 23/5/2021 sẽ tiến hành Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; đảm bảo Cuộc bầu cử được tiến hành một cách dân chủ, chặt chẽ, đúng Luật, đúng quy chế, quy trình, thực sự là ngày hội của nhân dân, nhằm phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ công dân trong lựa chọn ra những đại biểu ưu tú, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong đề ra các quyết sách lớn của đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là minh chứng thuyết phục nhất để bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, kích động nhằm phá hoại Cuộc bầu cử, chống Đảng, chống chế độ của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 118
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.268
Năm 2024 : 570.614