A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính nhân dân của nền báo chí cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam mà còn là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn, Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người về tính nhân dân của nền báo chí cách mạng có giá trị trường tồn, là phương châm, mục đích hoạt động của báo chí cách mạng Việt Nam.

Trước tiên nói về mục đích của báo chí cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh là phục vụ nhân dân, Người cho rằng: Báo chí không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối của Đảng và Chính phủ, để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Báo chí cách mạng lấy mục đích vì nhân dân phục vụ, do vậy phải viết cho nhân dân đọc. Như vậy, quần chúng nhân dân là mục đích phục vụ chủ yếu của báo chí cách mạng. Điều này cũng có nghĩa những gì có lợi cho nhân dân, phục vụ nhân dân thì báo chí cách mạng cần quan tâm, khai thác đề cập để phục vụ nhân dân. Người làm báo cách mạng trước hết phải tự hỏi: “Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì? Viết cho ai? Viết để làm gì?”.

Để phục vụ tốt nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu báo chí cần phải viết như thế nào, Người căn dặn: Mọi hoạt động của báo chí cách mạng phải hướng tới quần chúng nhân dân, lấy quần chúng nhân dân làm trung tâm; viết sao cho quần chúng nhân dân dễ hiểu, dễ đọc và dễ làm theo những việc tốt, xa lánh những cái xấu. Ngôn ngữ của báo chí cách mạng phải trong sáng, dễ hiểu, rõ ràng, hạn chế dùng từ nước ngoài, phải diễn đạt được bằng ngôn ngữ của nhân dân. Từ việc xác định quần chúng nhân dân là đối tượng phục vụ chính của báo chí thì cần xác định, lựa chọn những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Đã là phục vụ quần chúng nhân dân thì nhất định phải chọn, ca ngợi, nhân rộng cái gì có lợi cho quần chúng nhân dân, có lợi cho cách mạng, cho Tổ quốc, dân tộc; xa lánh cái xấu, cái có hại, không tốt cho quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn những người làm báo cách mạng: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại.

Cùng với đó, Người nhấn mạnh đến vai trò quan trọng, mối quan hệ mật thiết giữa quần chúng nhân dân với báo chí: Quần chúng nhân dân là nguồn cảm hứng bất tận cho báo chí cách mạng. Nếu coi quần chúng nhân dân là đối tượng chủ yếu, là mục tiêu phục vụ của báo chí cách mạng thì sự cần cù lao động sáng tạo, những sáng kiến, những ước vọng chân chính, những việc làm hay, những gương sống tốt,... của quần chúng nhân dân luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo của các nhà báo cách mạng. Nhân dân là kho tư liệu quý, là “thư viện” phong phú, là những nhân chứng “sống” cho phóng viên. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại căn dặn rằng “nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết”; “hỏi nhân dân”, giữa quần chúng nhân dân và báo chí cách mạng có mối liên hệ hữu cơ không thể tách rời. Sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân làm cho báo chí cách mạng thực sự trở thành diễn đàn dân chủ của đông đảo quần chúng nhân dân. Thông qua đó, báo chí cách mạng cũng thu hút được trí tuệ, tài năng, sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân, để nâng cao tính hấp dẫn, tính trí tuệ, tính văn hóa của báo chí cách mạng.

Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về tính nhân dân của nền báo chí cách mạng là di sản to lớn, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển nền báo chí cách mạng, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc. Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 96 năm vẻ vang, đầy gian khổ, hy sinh để trưởng thành và phát triển. Làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần xứng đáng và vô cùng quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 19
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.169
Năm 2024 : 570.515