A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Thuế hưởng ứng tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của biển và đại dương

Khắc ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Cần tạo sự thống nhất cao về nhận thức về niềm tự hào về biển đảo Việt Nam

Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phát huy giá trị biển đảo hiện nay, cần phát huy cao nhất tinh thần yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm điểm tựa để tiến ra biển, bám biển và làm giàu từ biển. Theo đó, cần tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; khơi dậy ý chí độc lập dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về biển đảo Việt Nam, về thành tựu phát triển kinh tế biển, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần không ngừng nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và phát huy giá trị biển, đảo.

 

Có thể khẳng định, biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Không chỉ có nguồn tài nguyên phong phú với giá trị khai thác kinh tế lớn, vùng biển nước ta còn giữ vị trí địa chiến lược, an ninh quốc phòng quan trọng. Từ bao đời nay, ông cha ta đã đổ bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển của nước nhà.

Đặc biệt, dải ven biển còn là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động ở những vùng biển xa bờ, thông qua các trung tâm kinh tế trên các hải đảo. Chính nơi này là chỗ trú ngụ tự nhiên, nơi sinh sản và ươm nuôi ấu trùng của nhiêu loài thủy sinh vật không chỉ ở ngay trong vùng, mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa.

Các hệ sinh thái như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... đều tập trung tại đây, cung cấp tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học biển và nguồn giống hải sản tự nhiên cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản. Chúng có tính liên kết sinh thái tự nhiên mật thiết với nhau, tạo ra những "dây xích sinh thái" quan trọng đối với toàn vùng biển tạo thành vùng có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 1.130.000 ha, trong những năm qua đã đóng góp gần 60% tổng sản lượng thủy sản toàn quốc, góp phần đáp ứng gần 40% protein cho người dân.

Quán triệt và thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, cả nước đã triển khai tổng thể các hoạt động nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ các lợi ích quốc gia trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Đồng chí Cao Anh Tuấn dẫn đầu Đoàn cán bộ, công chức ngành Thuế thăm và tặng quà cho bộ đội Đảo Trường Sa.

Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và phát huy giá trị biển, đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, đầy khó khăn và thách thức. Mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Việt Nam cần giữ vững ý chí, tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tuyệt đối không để các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng, khích động biểu tình, gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khôn khéo đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật về đường lối đối ngoại của Đảng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, về quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước.

Đồng thời, chú trọng thúc đẩy việc nghiên cứu, biên soạn các công trình, tài liệu nghiên cứu khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông; phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin trong nước và quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, biển và đại dương đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế. Các nước trên thế giới đã có những chiến lược phát triển biển mới và trong đó phát triển khoa học và công nghệ biển được coi là khâu đột phá, tạo thế mạnh trong cạnh tranh và đưa đất nước trở thành cường quốc.

Quan điểm và tầm nhìn phát triển kinh tế biển của các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thay đổi theo hướng hình thành nền kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh. Trong đó, việc khai thác, sử dụng các nguồn lực biển theo hướng bền vững thay thế cho các hoạt động khai thác cạn kiệt tài nguyên và phát thải lớn. Nếu đáp ứng được đòi hỏi này, kinh tế biến sẽ đóng vai trò nổi bật trong tăng trưởng kinh tế của quốc gia khi dư địa từ lĩnh vực khác đang dần cạn. 

Biển và đại dương đóng vai trò không thể thiếu được để đối phó với nhiều thách thức mà kinh tế thế giới phải đối mặt trong những thập niên tới, từ đảm bảo an ninh lương thực, đối phó với biến đổi khí hậu cho đến cung ứng tài nguyên tự nhiên, năng lượng và cải thiện điều kiện chăm sóc y tế.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển trong khu vực và trên thế giới. Đây là một trong những lợi thế chủ yếu của du lịch Việt Nam trong phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói - đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện nay.

Đoàn cán bộ, công chức ngành Thuế và ngành Hải quan thăm Đảo Trường Sa.

Ngành Thuế triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030

Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn số 4298/TCT-TVQT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số Vụ/đơn vị thuộc Tổng cục Thuế về việc tổ chức triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030.

Công văn nêu rõ, thực hiện Công văn số 1538/KHTC-QT ngày 07/11/2022 của Cục Kế hoạch – Tài chính Bộ Tài chính về việc tổ chức triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030. Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức các hoạt động cụ thể.

Theo đó, căn cứ điều kiện thực tế, các đơn vị tổ chức lồng ghép các hoạt động của đơn vị với việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về biển và hải đảo theo tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược biển phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 tới cán bộ, công chức viên chức và người lao động trong đơn vị.

Các đơn vị tăng cường đăng tải các bài viết tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách và pháp luật có liên quan đến biển, hải đảo (gồm cả luật pháp quốc tế); vị trí, vài trò, tầm quan trọng của biển và đại dương; quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển (06 ngành kinh tế biển xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả tổ chức triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 gửi về Vụ Tài vụ quản trị (Tổng cục Thuế) trước ngày 05/12/2022 để tổng hợp báo cáo theo quy định.

Lưu Gia Linh


Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.561
Hôm qua : 2.987
Tháng 04 : 105.482
Năm 2024 : 293.822