A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà giang sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24 -CT/TW về phát triển nền Đông y Việt Nam

CTTBTG - Với quan điểm “phát triển nền đông y vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội”. Trong thời gian qua cấp ủy, chính quyền tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.

Ngay sau khi có Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành kế hoạch triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị; chỉ đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh và các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện tốt các yêu cầu của chỉ thị về phát triển nền đông y và Hội đông y Việt Nam. Để cụ thể hóa chỉ thị, Ban Thường vụ đã ban hành Chương trình số 18-CTr/TU, ngày 22/6/2011 về đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình; Chương trình số 118-CTr/TU, ngày 29/10/2014 về phát triển nền đông y và Hội Đông y tỉnh Hà Giang trong tình hình mới. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW cho cán bộ, đảng viên tại địa phương mình.

Các y, bác sỹ Bệnh viện y dược cổ truyền tỉnh châm cứu điều trị cho bệnh nhân

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò của nền đông y và Hội Đông y Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác tuyên truyền thực hiện chỉ thị được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt như thông qua hội nghị báo cáo viên, sinh hoạt chi bộ, thôn, tổ dân phố; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương ...Cấp ủy, chính quyền đã củng cố, kiện toàn, phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng đông y và quản lý nhà nước về đông y, đông dược từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được hoàn thiện, đến nay tỉnh có 01 Bệnh viện Y Dược cổ truyền tuyến tỉnh; 100% Bệnh viện đa khoa (tuyến tỉnh và huyện) có Khoa y học cổ truyền và có bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền phụ trách chuyên môn. 11/11 huyện, thành phố đã có bác sĩ, y sỹ chuyên khoa về y học cổ truyền; 193/193 Trạm y tế xã, phường, thị trấn có cán bộ được phân công phụ trách công tác y học cổ truyền.

Công tác khám chữa bệnh bằng đông y và kết hợp với tây y tại các cơ sở luôn được quan tâm, chú trọng. Trong 15 năm qua, đã có 1.428.110 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trong đó có 290.220 lượt người được chữa bệnh bằng các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi, điện châm, điếu ngải… số lượng bệnh nhân điều trị bằng y học cổ truyền ngày càng tăng, việc sử dụng các phương pháp đông y ngày càng hiệu quả hơn góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Người dân chăm sóc cây đương quy

Công tác xây dựng quy hoạch, nuôi trồng, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đông y, được tỉnh quan tâm thực hiện. Đến nay đã trồng được trên 18.000ha cây dược liệu làm thuốc tại các huyện: Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Xín Mần, Bắc Mê, tập trung ưu tiên vào cây: Đỗ trọng, đan sâm, đương quy, atisô...;phát triển và nhân rộng các vườn thuốc nam, hướng dẫn nhân dân biết cách trồng và sử dụng các loại cây thuốc nam sẵn có tại nhà để điều trị những bệnh thông thường. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tập trung trồng 60 loại cây thuốc nam trong danh mục thuốc thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế. Đã có trên 20 đề tài, dự án cấp tỉnh về y, dược được nghiệm thu, trong đó nhiều đề tài đã được ứng dụng và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, tiêu biểu như: Đề tài ứng dụng Laser he-ne nội mạch phối hợp với thuốc thang điều trị giảm đau một số bệnh mãn tính; ứng dụng kỹ thuật điện châm trong điều trị chữa bệnh khó; ứng dụng và phát triển những bài thuốc gia truyền có giá trị chữa bệnh cho cộng đồng...Hội Đông y các cấp đã nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát huy các bài thuốc gia truyền, các phương thuốc chữa bệnh bằng y học cổ truyền, tận dụng nguồn dược liệu sẵn có ở địa phương để điều trị các bệnh thông thường và nhiều bệnh mãn tính khác trong nhân dân rất có hiệu quả như: Sỏi đường tiết niệu, viêm đại tràng mãn, viêm loét dạ dày, gãy xương. Ngoài ra tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển dược liệu tại tỉnh như: Công ty cổ phần thương mại phát triển nông lâm nghiệp Bình Minh 3 (nay là Công ty cổ phần VIQICO), Công ty cổ phần phát triển dược liệu An Vy, Công ty Nam dược, Công ty Bảo Châu, Công ty dược liệu Bông Sen Vàng, Công ty Cổ phần Sao Thái dương...

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn Hà Giang đã nâng cao nhận thức  về y học cổ truyền trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác y dược  không ngừng được quan tâm đầu tư về mọi mặt, đội ngũ thầy thuốc đông y tận tụy với nghề, sáng về y đức, vững vàng về y thuật hết lòng với người bệnh, nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu về y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được triển khai và phát huy tác dụng, việc nghiên cứu, ứng dụng, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu được đẩy mạnh..Tuy nhiên bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Công tác chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, trong triển khai thực hiện công tác y học cổ truyền còn chưa kịp thời; việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển các bài thuốc đông y hiệu quả chưa cao; nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong khám chữa bệnh đông y chưa được triển khai, nên chưa thu hút được người dân sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bằng đông y; việc phát triển, mở rộng hoạt động của hội đông y tại tuyến xã còn gặp nhiều khó khăn...

Để thực hiện có hiệu quả công tác đông y trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, Thông báo kết luận số 154-TB/TW của Ban Bí thư và Chương trình 118-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nền đông y và Hội Đông y Hà Giang trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị và mỗi người dân về vai trò, vị trí của nền đông y và Hội Đông y Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về đông y, đông dược; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên ngành đông y và thực hiện chính sách thu hút đội ngũ y sĩ đông y, bác sĩ công tác tại ngành y  tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình hành nghề y dược cổ truyền phát triển; tăng cường công tác phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh đảm bảo thường xuyên, hiệu quả...


Tác giả: Nguyễn Vân
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 36
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 36
Năm 2024 : 505.382