A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nếu chẳng may mắc cúm A/H5N1, bạn nên ăn gì để nhanh hồi phục sức khỏe?

CTTBTG - Bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5N1 gây ra và có thể lây sang người. Người mắc bệnh cần được cách ly và điều trị đúng cách, trong đó chăm sóc dinh dưỡng là biện pháp hỗ trợ giúp nâng cao thể trạng và sức đề kháng, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục.

1. Làm gì khi có dấu hiệu mắc cúm A/H5N1?

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H5N1 lây qua đường hô hấp qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm bệnh chưa nấu chín kỹ hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

Người mắc cúm A/H5N1 có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cho người. Vì vậy khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nếu chẳng may mắc cúm A/H5N1, bạn nên ăn gì để nhanh hồi phục sức khỏe? - Ảnh 2.

Người mắc bệnh cúm thường rất mệt mỏi.

Theo TS. BS Phạm Thị Bích Thủy, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9… Virus cúm tấn công hệ thống hô hấp gây ra các triệu chứng như: sốt; chảy nước mũi, nước mắt, ngạt mũi, hắt hơi; Ho; Đau họng; Đau đầu; Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể; Mệt mỏi, chán ăn…

Đối với các thể bệnh cúm thông thường, điều trị chủ yếu là giảm các triệu chứng do bệnh gây. Bệnh nhân cần được cách ly điều trị và chăm sóc cho đến khi khỏi bệnh. Cần phải chú ý bổ sung dinh dưỡng để giảm mệt mỏi và tăng khả năng hồi phục sức khỏe. Chế độ ăn ưu tiên những thức ăn dễ tiêu. Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, trái cây tươi chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể nhanh hồi phục. Ngoài ra có thể bổ sung vitamin.

2. Thực phẩm nào tốt cho người mắc bệnh cúm?

2.1. Đồ ăn lỏng giàu dinh dưỡng, dễ tiêu

Các triệu chứng của cúm khiến người bệnh rất khó chịu và không muốn ăn uống. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể càng mệt mỏi và lâu hồi phục. Vì vậy cần đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Các món ăn nên chế biến dưới dạng lỏng, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.

Người bệnh nên ăn các món như: cháo gà, cháo thịt lợn, cháo thịt bò, súp gà, canh gà kèm với rau củ… giúp dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt.

Thịt gà là thực phẩm rất tốt cho người bị cúm vì thịt gà chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, không chứa nhiều chất béo. Thịt gà còn là thực phẩm dễ tiêu hóa và có tác dụng giải cảm rất tốt.

Các món ăn chế biến từ thịt gà như cháo gà, súp gà, canh gà… có vị thơm ngon, dễ ăn, dễ tiêu lại giàu chất dinh dưỡng nên rất phù hợp cho người bị ốm, sốt, mệt mỏi.

Thịt bò rất giàu protein, các vitamin và khoáng chất. Nguồn kẽm dồi dào trong thịt bò có tác dụng tác dụng chống khuẩn, kháng viêm, giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.

Nếu chẳng may mắc cúm A/H5N1, bạn nên ăn gì để nhanh hồi phục sức khỏe? - Ảnh 4.

Người bệnh cúm nên ăn các món giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như cháo gà, súp gà.

2.2. Thực phẩm giàu protein

Người mắc cúm cơ thể rất mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút nên việc bổ sung thực phẩm giàu protein là rất cần thiết để cơ thể phục hồi.

Protein là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và mô mới cho cơ thể. Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng. Protein cũng cho phép cơ thể sản xuất các kháng thể mà nó cần để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn. 

Thực phẩm giàu protein lành mạnh bao gồm: trứng, thịt nạc, thịt gia cầm, cá, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo…

2.3. Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C giúp kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu tấn công vi khuẩn và virus. Đặc biệt, vitamin C là một chất chống oxy hoá mạnh nên giúp bảo vệ các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa được các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Vì vậy, bổ sung vitamin C rất hiệu quả để ngăn ngừa và giảm các triệu chứng của bệnh cúm.

Vitamin C có trong nhiều loại thực phẩm. Nguồn thực phẩm bổ sung vitamin C tốt nhất là trong các loại trái cây và rau quả như: trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi…); đu đủ, táo, lê, chuối, ổi, nho, dâu tây, kiwi, việt quất…; các loại rau như cà chua, ớt chuông, bông cải xanh…

2.4. Gừng

Gừng là loại gia vị phổ biến đã được chứng minh có tác dụng kháng virus và kháng khuẩn hiệu quả, giúp kích thích hệ thống miễn dịch tự bảo vệ tốt hơn để chống lại các virus gây bệnh như cúm và cảm lạnh.

Người bệnh có thể dùng gừng tươi chế biến trong các món ăn hoặc trà gừng rất tốt để giảm các triệu chứng khó chịu của cúm như: cảm giác choáng váng, nghẹt mũi, buồn nôn…

Nếu chẳng may mắc cúm A/H5N1, bạn nên ăn gì để nhanh hồi phục sức khỏe? - Ảnh 5.

Uống trà gừng giúp cải thiện triệu chứng khó chịu của bệnh cúm.

2.5. Mật ong

Mật ong có chất chống oxy hóa và enzym giúp chữa lành từ bên trong. Nó cũng có đặc tính kháng khuẩn giúp tránh nhiễm trùng và các tế bào gây hại cho cơ thể. Mật ong cũng có thể bao phủ cổ họng bị viêm và làm dịu cơn ho một cách an toàn. 

Người bệnh có thể sử dụng mật ong nguyên chất hoặc các loại trà mật ong, gừng; mật ong, nghệ; mật ong, chanh… giúp chống viêm, làm dịu cổ họng và giảm ho khi bị cúm.


Nguồn: Báo Sức khoẻ và đời sống
Thống kê truy cập
Hôm nay : 213
Hôm qua : 2.171
Tháng 10 : 15.002
Năm 2024 : 817.979