A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên minh đoàn kết Việt-Miên-Lào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 2: Sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Lào, Campuchia và quốc tế góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (Tiếp theo và hết)

Đường lối, chủ trương, chính sách đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia của Đảng ta là nhất quán và được thực hiện trọn vẹn cho đến ngày toàn thắng.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược gắn bó mật thiết với các cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân Lào, nhân dân Campuchia và hòa chung với sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, của nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh xâm lược.

Ý thức được mối quan hệ hữu cơ nêu trên, ngay từ đầu cuộc kháng chiến, trong “Chỉ thị kháng chiến kiến quốc” ngày 25-11-1945 và trong “Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương” ngày 21-7-1945, Đảng ta đã chỉ rõ “…Chúng ta hiện nay bị vây hãm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc. Nhiệm vụ là phải liên minh với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới, đặc biệt với các nước lân cận để củng cố cuộc cách mạng của mình”.

Quán triệt chỉ thị của Đảng và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình chiến tranh, nhân dân ta luôn đặt vấn đề đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào, nhân dân Campuchia thành một vấn đề lớn thuộc đường lối, chính sách của cách mạng, đồng thời hết sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến của ta tới thắng lợi.

Sự nghiệp đoàn kết, liên minh với Lào và Campuchia trải qua hai thời kỳ: Cùng có sự lãnh đạo của một Đảng - Đảng Cộng sản Đông Dương hay sau này đặt dưới sự lãnh đạo của từng Đảng ở từng nước nhưng đều nhất quán với vấn đề cơ bản đó là sự lãnh đạo độc lập tự chủ của từng Đảng kết hợp với sự bàn bạc, thống nhất, phối hợp hành động giữa ba Đảng. Phải giữ vững quyền dân tộc tự quyết, bình đẳng, tương trợ, hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền, nguyện vọng, trước hết là lợi ích chính đáng của nhau trong quan hệ giữa ba đảng, ba nước: Thực hiện thắng lợi cuộc chiến tranh liên minh, tiêu biểu là liên minh quân sự, đấu tranh vũ trang bao gồm chiến lược chung, xác định mục tiêu, sử dụng lực lượng, phân chia chiến trường, phối hợp tác chiến.

Ngày 30-10-1945, Hiệp định liên minh quân sự giữa Chính phủ Ít-xa-la và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với Hiệp định thành lập Liên minh (Liên quân) Lào-Việt được ký kết. Cuối năm 1945, đại diện Chính phủ ta cùng với Ủy ban Cao Miên độc lập ký tuyên bố chung về Đoàn kết Việt-Miên-Lào chống Pháp.

Đến đầu năm 1946, ở Đông Nam Campuchia, ta cùng lực lượng yêu nước Campuchia phát triển lực lượng vũ trang hỗn hợp, “Liên quân Việt-Miên-Lào đứng chân hoạt động trên các tỉnh Prey Veng, Svay Rieng, Kandal và lan rộng ra các vùng khác.

Từ năm 1947, 1948 trở đi, những đơn vị quân tình nguyện Việt Nam lần lượt được cử sang hoạt động bên cạnh Liên quân Lào-Việt, Liên quân Miên-Việt cùng với bộ đội giải phóng Ít-xa-la Lào và bộ đội Ít-xa-rắc Campuchia dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Dân tộc giải phóng Campuchia và Chính phủ kháng chiến Lào.

Cục diện chiến tranh ở Lào và Campuchia phát triển ngày càng có lợi cho việc phối hợp, đoàn kết giữa ba nước chống kẻ thù chung. Hình thức tổ chức phối hợp với các đơn vị Lào-Việt, Miên-Việt từ những ngày đầu chống thực dân Pháp và kéo dài đến khi quân đội cách mạng hai nước Lào-Miên được thành lập là hình ảnh đẹp đẽ về tình đoàn kết, chiến đấu giữa ba dân tộc anh em, giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, đồng thời có giá trị và hiệu quả cao trong hoạt động quân sự và chính trị chống quân xâm lược. Nó là hình thức tổ chức lực lượng hỗn hợp thích hợp nhất trong việc liên minh giữa ba nước trên chiến trường Đông Dương. Đó còn là một bộ phận quan trọng trong nghệ thuật tổ chức lực lượng trong cuộc chiến tranh liên minh đặc biệt của ba nước.

Liên minh đoàn kết Việt-Miên-Lào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 2: Sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Lào, Campuchia và quốc tế góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (Tiếp theo và hết)

Hoàng thân Souphanouvong với các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, năm 1950. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Quá trình đoàn kết liên minh là một quá trình luôn luôn kết hợp hài hòa giữa lợi ích dân tộc và lợi ích liên minh. Kết quả của liên minh bao giờ cũng đem lại sự thành công cho cả hai bên: Ta giúp bạn chiến đấu trưởng thành và bạn giúp ta rất nhiều trên bước đường giành thắng lợi.

Tháng 9-1952 họp Hội nghị Liên minh giữa ba nước Đông Dương. Trong Hội nghị quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói nổi tiếng, đánh giá vô cùng sâu sắc mối quan hệ đó. Người nói: “Việt Nam kháng chiến có thành công thì Lào, Miên mới thắng lợi. Lào, Miên có thắng lợi thì Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi".

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao và kết tinh những thắng lợi đó, được chuẩn bị trong một quá trình lâu dài mà 3 đợt tấn công trên mặt trận Điện Biên Phủ từ 13-3-1954 đến 7-5-1954 là “điểm nút” của cả quá trình, là sự kết hợp mẫu mực, điển hình giữa tất yếu khách quan được đáp ứng với nỗ lực chủ quan đầy hy sinh gian khổ của quân dân ta.

Đường lối, chủ trương, chính sách đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia của Đảng ta là nhất quán và được thực hiện trọn vẹn cho đến ngày toàn thắng. Tiến hành chiến tranh xâm lược chống ba nước Đông Dương, thực dân Pháp đã mưu toan chia rẽ, cô lập từng nước để dễ bề thôn tính nên chúng đã đặt ba nước trong một chiến lược chung, trên một chiến trường thống nhất để tiến hành xâm lược, tuy mức độ, quy mô tiến hành chiến tranh, các biện pháp, thủ đoạn chiến lược, bước đi cụ thể của thực dân Pháp có khác nhau ở mỗi nước. Từ âm mưu, chủ trương của địch và diễn biến chiến tranh trên ba nước, Đảng ta đã sớm xác định: Đẩy mạnh kháng chiến trên cả ba nước, trên cơ sở cả Đông Dương là một chiến trường, chiến đấu theo một chiến lược chung, cùng đoàn kết, phối hợp, liên minh chiến đấu.   

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, chiến cục Đông Xuân được triển khai trên cả ba chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi cho quân dân ta giành thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ. Cùng với thắng lợi to lớn ở Thượng-Trung-Hạ Lào, ở Đông Bắc Campuchia, thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ và ở các chiến trường Việt Nam đã buộc đế quốc Pháp phải chịu thua, chấm dứt chiến tranh xâm lược trên cả ba nước.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã chỉ rõ, đoàn kết liên minh đi đôi với tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ. Độc lập, tự chủ, tự cường nhưng phải biết đoàn kết, liên minh rộng rãi, nếu không ta sẽ bị cô lập, nền độc lập tự chủ bị đe dọa. Mặt khác, đoàn kết, liên minh rộng rãi nhưng lại phải giữ vững độc lập, tự chủ thì đoàn kết liên minh mới vững vàng, trong sáng và bền vững. Nhận thức này không chỉ nỗ lực thực hiện ở Việt Nam, mà còn đối với quân và dân hai nước bạn: Lào và Campuchia. 

Liên minh đoàn kết Việt-Miên-Lào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 2: Sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Lào, Campuchia và quốc tế góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (Tiếp theo và hết)

 Đại hội Liên minh Việt-Miên-Lào tại Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu

Với phương châm thêm bạn, bớt thù, ra sức tuyên truyền cho bạn bè quốc tế hiểu rõ tính chất chính nghĩa các cuộc kháng chiến của ta và lên án tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp và can thiệp Mỹ, Đảng và Chính phủ ta, một mặt hết sức coi trọng chiến lược liên minh đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương, mặt khác mở rộng hoạt động đối ngoại, ngoại giao với quốc tế để tăng cường sức mạnh cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và của cả ba nước Đông Dương.

Phong trào phản đối chiến tranh lan rộng và mạnh mẽ. Các nước từ châu Phi, châu Á và thế giới lên tiếng phản đối chiến tranh xâm lược phi nghĩa và ủng hộ phong trào kháng chiến, giải phóng của Việt Nam, của Đông Dương, của Liên minh Việt-Miên-Lào. Đoàn kết quốc tế đã tạo cho cách mạng Việt Nam và cách mạng của cả ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia phát triển vượt bậc và đi tới thắng lợi. Tất cả sự ủng hộ đó của tình đoàn kết quốc tế đã góp phần làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ, làm rạng rỡ truyền thống đoàn kết liên minh chiến đấu của các dân tộc ở Đông Dương. Đó là bài học kinh nghiệm lớn, là di sản quý báu mà Việt Nam và nhân dân ba nước Đông Dương đóng góp vào lý luận cách mạng thế giới và thúc đẩy hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới với điểm sáng không phai mờ - Điện Biên Phủ.

GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO (Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương)

----------------------------------

Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. CTQG. H1996. Tr 363-365.

 Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sđd. Tr 363-365.

 Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sđd. Tr 365.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sđd. Tr 366.

 Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sđd. Tr 367.

 Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1950). ST. H1986. Tập 1, Tr 193.


Tác giả: GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 128
Hôm qua : 3.750
Tháng 05 : 61.827
Năm 2024 : 361.241