A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu - Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351 kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy kéo pháo Mặt trận Điện Biên Phủ

“Đồng chí Phạm Ngọc Mậu là một lão thành cách mạng trung kiên của Đảng, một vị tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Thái Bình. Cuộc đời và sự nghiệp của anh nhiều năm gắn liền với Tổng cục Chính trị. Anh làm Cục trưởng Cục Cán bộ từ tháng 5-1957 đến tháng 12-1958, Cục trưởng Cục Tổ chức từ tháng 1-1959 đến tháng 2-1961; tháng 3-1961, anh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Anh ở cương vị này cho đến khi nghỉ hưu (11-1989)”.

Trên đây là một một phần hồi ức của đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu.

Cách đây 70 năm, vào thời điểm khi ta triển khai Chiến dịch Điện Biên Phủ, để giữ bí mật việc sử dụng pháo lớn trong Chiến dịch, Bộ Chỉ huy đã quyết định dùng sức người để kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa bắn. Tiếp đó, để thực hiện kế hoạch tổ chức làm đường và kéo pháo, Ban Chỉ huy kéo pháo đã được thành lập gồm các đồng chí: Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312; Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351; Phạm Kiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ.

Thời điểm đó, Đại đoàn Công pháo 351 chỉ có một cán bộ cấp trưởng là Chính ủy Đại đoàn Phạm Ngọc Mậu, đồng thời là Chính ủy Bộ Chỉ huy kéo pháo Mặt trận Điện Biên Phủ.

Sau này trong Hồi ký "Kéo pháo vào, Kéo pháo ra", Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu đã hồi tưởng lại: “Chúng tôi cũng không bao giờ quên được những gương dũng cảm quên mình của các đồng chí bộ binh trong nhiều trường hợp gian nguy kéo pháo.

Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu - Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351 kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy kéo pháo Mặt trận Điện Biên Phủ

Đồng chí Phạm Ngọc Mậu báo cáo công tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Có lần giữa lúc bom rơi, đạn rú, một khẩu pháo bị đứt dây lao xuống, nhưng có đồng chí bộ binh đã buộc dây pháo vào mình rồi ôm chặt lấy gốc cây, miệng hát vang bài “Quốc tế ca” như át cả tiếng bom đạn. Một lần mấy khẩu cao xạ trú quân ở giữa rừng tranh bị bom napan. Các chiến sĩ xung kích của Tiểu đoàn 130 đã anh dũng lao vào cứu pháo như lúc lao vào đồn giặc. Khói lửa trùm lên người nhưng họ vẫn cứu được toàn vẹn tất cả các khẩu cao xạ ở khu vực đó.

Nhưng hầu hết những chiến sĩ kéo pháo chúng tôi luôn luôn khắc sâu vào trí óc gương hy sinh quên mình cứu pháo của đồng chí Tô Vĩnh Diện, pháo thủ Đại đội cao xạ 827 thuộc Đại đoàn 351. Đồng chí đã lấy thân mình chèn pháo ở Dốc Chuối trong một trường hợp pháo sắp lao xuống vực thẳm. Đồng chí đã được truy tặng liệt sĩ và tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày nay, sử sách và nhiều nhà văn vẫn ca ngợi sự hy sinh cao cả của đồng chí.

Lần kéo pháo ra, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về tổ chức và chỉ huy. Ngoài việc phân công nhau thường xuyên đi kiểm tra trên đường kéo pháo, chúng tô đã có sở chỉ huy, có điện thoại tới các đại đội để nắm tình hình từng giờ, từng phút. Các cán bộ tham mưu, chính trị của pháo binh, bộ binh kéo pháo thường xuyên thay nhau có mặt trên các đoạn đường khó. Thời kỳ này, sáng nào chúng tôi cũng phải đi kiểm tra hết sức nghiêm ngặt công việc ngụy trang đường kéo pháo...".

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tướng Phạm Ngọc Mậu đã cùng các đồng chí trong tập thể Thủ trưởng Tổng cục Chính trị tham mưu cho Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam phát triển toàn diện trên tất cả các mặt; chỉ đạo các cấp ủy, chỉ huy cơ quan chính trị các cấp huy động tối đa các lực lượng, áp dụng phong phú, sinh động các biện pháp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị nhằm đạt hiệu quả cao nhất, tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần to lớn, có ý nghĩa quyết định của quân đội ta.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, với những điều kiện khó khăn phức tạp, đồng chí Phạm Ngọc Mậu cùng Tổng cục Chính trị bám sát cơ sở, bám sát thực tiễn chiến trường, tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp công tác Đảng, công tác chính trị trong tác chiến, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm nên chiến thắng của hai cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ vững chắc cương vực bờ cõi, chủ quyền của Tổ quốc. 

Ông qua đời năm 1993 tại Hà Nội.

ĐOÀN TRUNG (lược trích)

1.  Sách “Tướng lĩnh Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”; sưu tầm, tuyển chọn: SÔNG LAM - DŨNG QUYẾT; NXB Văn Học 2014.

2.  Tạp chí Văn nghệ Quân đội


Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Thống kê truy cập
Hôm nay : 173
Hôm qua : 3.750
Tháng 05 : 61.872
Năm 2024 : 361.286