A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử” nước ta

CTTBTG - Năm 1954 quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, dựng lên mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử dân tộc

Sau khi cách mạng Tháng tám, năm 1945 thành công, với truyền thống nhân nghĩa, khát vọng hòa bình của nhân dân ta, Đảng ta Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với Pháp, thống nhất ký bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, tiếp sau đó, ký bản Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946, nhân nhượng cho Pháp thêm một số quyền lợi về kinh tế - văn hóa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, thực dân Pháp dưới sự hẫu thuận của các nước đế quốc đồng minh đã quay trở lại Việt Nam, tăng cường các hoạt động quân sự, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu toàn thể nhân dân Việt Nam đứng lên chống thực dân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, quân và dân cả nước đã cùng nhất tề đứng lên chống giặc. Chiến dịch Việt Bắc Thu đông 1947; Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950… đã làm nên chiến thắng vang dội đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, tạo bước chuyển căn bản giúp ta nắm quyền chủ động trên chiến trường.

Sau nhiều năm trở lại xâm lược, dù đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn, nhưng thực dân Pháp vẫn không đạt được mục đích cơ bản đề ra là tiêu diệt chính phủ cách mạng và lực lượng kháng chiến, thiết lập lại nền cai trị trên toàn Đông Dương. Tháng 5/1953, chính phủ Pháp cử tướng Nava - người được đánh giá là “một nhà chiến lược văn võ kiêm toàn” sang làm tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương với hy vọng sớm giành thắng lợi quân sự quyết định, tìm “lối thoát danh dự” dứt điểm cuộc chiến tranh. Với âm mưu trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam, tháng 7/1953 “Kế hoạch Na Va” của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ra đời, chúng cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, mở nhiều cuộc hành quân đánh phá, càn quét; đồng thời đưa thêm nhiều đơn vị quân viễn chinh vào Đông Dương. Chỉ sau một thời gian ngắn, địch đã củng cố, xây dựng được 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược, trong đó tập trung 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ.

Đầu tháng 12/1953, trên cơ sở nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến "Đánh nhanh, thắng nhanh", với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Lực lượng tham gia chiến đấu lên đến 55.000 quân, gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động để cung cấp cho chiến dịch. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội công binh ngày đêm mở đường ra mặt trận dưới bom đạn địch, nên sau một thời gian ngắn, hàng ngàn km đường được xây dựng, sửa chữa. Công tác chuẩn bị các mặt trên vượt ra ngoài mọi dự đoán, tạo bất ngờ lớn đối với cả Pháp và Mỹ.

Ngày 13/3/1954, sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, quân ta nổ súng tiến công, chính thức mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao trọng trách Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Trước diễn biến tình hình trận chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định đúng đắn, chuyển t phương án tác chiến "Đánh nhanh, thắng nhanh", sang "đánh chắc, tiến chắc", tập trung toàn lực và quyết tâm "Tất cả cho chiến trường, tất cả để chiến thắng". Từ ngày 13-17/3/1954 quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng Bắc và Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo đà cho quân ta tiến đánh xuống lòng chảo và khu trung tâm, hai tiểu đoàn tinh nhuệ của địch bị tiêu diệt, một số lượng lớn pháo và máy bay của địch bị ta phá hủy và tiêu diệt hoàn toàn; từ ngày 30/3-30/4/1954 quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông trung tâm, tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch, kiểm soát sân bay Mường Thanh, khống chế các khu vực còn lại của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; từ 01- 07/5/1954 quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, tiêu diệt một số cứ điểm phía Tây và mở đợt công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, pháo binh và hỏa tiễn của ta bắn vào các cứ điểm địch, mở đường cho bộ binh tiến công; 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, bộ đội ta đã bắt sống tướng chỉ huy De Castries (Đờ-cát) cùng toàn bộ Bộ tham mưu, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc thắng lợi trận quyết chiến, đưa Chiến thắng Điện biên Phủ vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, hào hùng.

 

 

  Chiều 07/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam bởi ý nghĩa lịch sử trọng đại, mang tầm thời đại sâu sắc của cuộc chiến, âm hưởng hào hùng của nó vẫn còn mãi với thời gian, trở thành dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn ".  Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân và dân ta đã đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954). Đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975. Những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 vẫn luôn được Đảng, Nhà nước ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hải Hà


Thống kê truy cập
Hôm nay : 291
Hôm qua : 3.750
Tháng 05 : 61.990
Năm 2024 : 361.404