A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chạm vào Hà Giang: Tiếng khèn Mông “vang xa” 10.000 cây số (Bài 1)

“Trong mỗi bước đi cùng thiên nhiên, chúng ta nhận được nhiều hơn những gì chúng ta tìm kiếm” mượn lời của John Muir, Nhà tiên phong trong phong trào bảo vệ giới nguyên sinh, Mary Jane Casanes, nữ du khách người New Zealand đã mở đầu cuốn sổ tay của mình bằng những dòng như thế khi nói về hành trình năm ngày khám phá vùng đất cực Bắc, của đất nước Việt Nam. Cô trân trọng gọi tên những điều mới mẻ đã được khám phá, những sự thú vị đã được trải nghiệm và sự hấp dẫn trong bản sắc văn hóa là: Chạm vào Hà Giang…

 

Mary Jane Casanes và nhóm tới từ New Zealand phấn khích khi chinh phục thành công đèo Mã Pí Lèng
Mary Jane Casanes và nhóm bạn tới từ New Zealand phấn khích khi chinh phục thành công đèo Mã Pí Lèng

Gặp nhau trên đỉnh Mã Pí Lèng

Cuối tháng hai, khi gió đã bớt lạnh và nắng đã rực rỡ vàng, tôi tới Hà Giang để đợi ngắm mùa hoa mộc miên “thắp lửa đỏ” trên những triền đá. Ngày thứ ba của chuyến đi, trên đỉnh Mã Pí Lèng, tại Trạm thông tin du khách Mèo Vạc (Meo Vac Visitor Center) một nhóm khách du lịch nước ngoài sau khi tỉ mẩn rà đầu ngón tay đọc kỹ từng dòng chữ trên bảng giới thiệu đã òa lên sung sướng, và ôm chầm lấy nhau khiến những người chứng kiến cũng thấy vô cùng thú vị! Đó chính là Mary Jane Casanes, và nhóm bạn của cô (tất cả đều tới từ New Zealand), đang trong hành trình khám phá mảnh đất cực Bắc.

Những vị khách du lịch tới từ giữa biển Thái Bình Dương ấy đã vô cùng phấn khích khi tự mình chinh phục thành công đèo Mã Pí Lèng, tọa độ được giới xê dịch mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan Việt Nam”… bằng xe máy và được ngắm dòng Nho Quế xanh ngắt vươn mình qua hẻm Tu Sản.

Mary Jane Casanes hiện đang là sinh viên ngành Khoa học Xã hội và Truyền thông - Đại học Auckland, trước khi năm học mới bắt đầu vào đầu tháng ba, cô cùng nhóm bạn của mình đã bị thu hút bởi Hà Giang. Mary tiết lộ, ở đất nước New Zealand, Hà Giang nằm trong danh sách "must-do" (tạm dịch: nhất định phải tới) khi tới thăm Việt Nam.

Ngỡ ngàng trước thiên nhiên hùng vĩ
Ngỡ ngàng trước thiên nhiên hùng vĩ

Giải đáp thắc mắc của tôi về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ở xứ sở kiwi, Mary kể lại, trên tờ báo The New Zealand Herald, Nhà báo Nigel Richardson ca ngợi sự pha trộn sắc tộc phong phú của Việt Nam, coi đây là một trong những quốc gia có văn hóa đa dạng nhất Đông Nam Á. Mọi thứ thay đổi ngoạn mục từ những tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang đến đảo Phú Quốc, Kiên Giang, với nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tờ báo ấy đã viết, ở Hạ Long, du khách được khám phá thiên nhiên trên các du thuyền sang trọng, tận hưởng dịch vụ và đồ ăn đẳng cấp. Hội An là Venice thu nhỏ, một nơi nghỉ ngơi lãng mạn với vẻ đẹp vượt thời gian. Vườn Quốc gia Cát Tiên là trải nghiệm độc đáo để thấy vẻ đẹp rừng nhiệt đới, cùng các loài động vật hoang dã. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi "xông xáo, điên cuồng, hỗn loạn, không ngừng nghỉ" thích hợp cho những ai muốn trải nghiệm một Việt Nam hiện đại. Và để hiểu rõ Việt Nam thì nhất định phải đến Hà Nội… The New Zealand Herald cũng khẳng định Việt Nam là nơi gợi cảm hứng du lịch quốc tế!

“Phải lòng” khèn ở giữa biển Thái Bình Dương

Thông qua Mary, tôi thấy có một điều đặc biệt ở nền giáo dục của đất nước New Zealand mà thiết nghĩ cũng phải kể đến để bạn đọc hiểu hơn, ấy là nhà trường sẽ luôn khuyến khích sinh viên có những hành trình khám phá những điều mới mẻ, mà ở đây du lịch trải nghiệm cũng có thể hiểu là một cách học.

Nhìn những vùng đất mới với ánh mắt rộng mở, đầy háo hức quan sát của kẻ phiêu lưu, nên ta luôn học được nhiều
Nhìn những vùng đất mới với ánh mắt rộng mở, đầy háo hức quan sát của kẻ phiêu lưu, nên ta luôn học được nhiều

Trong cuộc trò chuyện cùng tôi, Mary đã kể thế này, khi đi, ta nhìn những vùng đất mới với ánh mắt rộng mở, đầy háo hức quan sát của kẻ phiêu lưu, nên ta luôn học được nhiều. Thực ra, trong môi trường quen thuộc, mắt ta như bị che bởi một tấm màn vô hình, không thấy được những điều mới lạ ở ngay quanh mình. Nếu chắc rằng có thể giữ được cái nhìn của người lữ khách ở giữa quê nhà, thì không cần đi xa cũng học được điều mới. Nhưng rất tiếc, không phải lúc nào người ta cũng làm được điều ấy!

Ở Đại học Auckland khi theo học ngành Khoa học Xã hội và Truyền thông, sinh viên của trường nhất định sẽ được tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, lịch sử, đặc biệt là những nét tính cách dân tộc của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Khèn - Nhạc cụ truyền thống giữ hồn bản sắc văn hóa dân tộc Mông
Khèn - Nhạc cụ truyền thống giữ hồn bản sắc văn hóa dân tộc Mông

Nữ du khách New Zealand hào hứng chia sẻ: Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng trên 10.000 người, phân bố tập trung ở Thủ đô Wellington, Thành phố Christchurch và Thành phố Auckland. Ngoài những gì được tìm hiểu về Việt Nam trong trường đại học, Mary còn được xem người dân Việt Nam trình diễn khèn qua những bộ phim tư liệu được ghi lại ở Hà Giang, trong những buổi sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Tiếng khèn Mông vang lên ở miền đất phía Tây Nam biển Thái Bình Dương, cách Việt Nam gần 10.000 cây số đã khiến Mary rất ấn tượng!

Những tiết mục trình diễn khèn đã được sân khấu hóa
Những tiết mục trình diễn khèn đã được sân khấu hóa

Khi chơi khèn, người đàn ông như hòa quyện cùng nhạc cụ, từng bước chân uyển chuyển xoay xoay theo từng vòng. Khèn ngước cao lên trời, người vươn căng, thân uốn cong mềm mại. Khèn sát mặt đất, người khom lưng ôm khèn rồi lăn qua, lăn lại. Thực sự rất lôi cuốn!

Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Hà Giang
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Hà Giang

Và khi đi tìm hiểu sâu hơn, mới thấy khèn có mặt hầu hết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của người Mông. Là một loại nhạc cụ độc đáo, không chỉ bởi tính đại chúng của nó mà còn bởi đó vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ. Khèn là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, được sử dụng diễn tấu trong tang ma nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Ngay cả cấu tạo, quy trình chế tác nhạc cụ này cũng hết sức độc đáo. Tất nhiên chúng ta sẽ không thể tìm thấy loại nhạc cụ ấy ở những đất nước khác của khu vực Đông Nam Á này.

Vậy là tiếng khèn đã thu hút Mary tới Hà Giang có phải không? Tôi hỏi.

Yes! Mary đáp lại.


Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.635
Hôm qua : 4.580
Tháng 05 : 30.985
Năm 2024 : 330.399