A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới nổi bật số tháng 9/2020

Tình hình quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thời gian gần đây

(1) Về chính trị

Trong những tháng đầu năm 2020, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tuy có bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và vấn đề Biển Đông nhưng về tổng thể vẫn duy trì xu thế phát triển ổn định. Các chuyến thăm cấp cao chưa được diễn ra nhưng tiếp xúc cấp cao vẫn được duy trì. Giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa các bộ, ngành và các địa phương hai nước được triển khai hiệu quả. Hai bên đã và đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/01/1950-18/01/2020).

(2) Về hợp tác thương mại

Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN (từ 2018 vượt Ma-lai-xi-a). Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 116,9 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018; 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 35,08 tỷ USD, tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, dịch Covid-19 đang khiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng, một số mặt hàng bị tác động trực tiếp là ngành nông sản, trái cây, các chuỗi sản phẩm cung cấp, may mặc, linh kiện điện tử…

(3) Về hợp tác đầu tư

Năm 2019, FDI Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến, có 683 dự án mới với tổng số vốn đăng ký mới 2,37 tỷ USD, đứng thứ 5/132 quốc gia và vùng lãnh thổ, gấp đôi so với năm 2018 (1,22 tỷ USD) và chiếm tới 15,5% tổng lượng FDI đăng ký mới tại Việt Nam cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm cả số lượng và tổng vốn đăng ký dự án đầu tư vào Việt Nam.

(4) Về hợp tác du lịch

Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam. Năm 2019, đạt 5,8 triệu lượt, tăng 11,6% so với năm 2018, ở chiều ngược lại, mỗi năm có hơn 3 triệu lượt khách Việt Nam đi Trung Quốc. Nếu bao gồm du khách qua lại biên giới trên bộ, lượng người qua lại hai bên mỗi năm đạt 12 triệu lượt. Do dịch Covid-19, trong tháng 3/2020, lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm 91,5% so với cùng kỳ năm 2019; 3 tháng đầu năm 2020 đạt 871.819 lượt, giảm 31,9%.

(5) Về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc

Tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc cơ bản ổn định, được hai bên tiến hành quản lý tốt theo 03 văn kiện pháp lý. Đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới được đảm bảo. Giao lưu hữu nghị giữa nhân dân, địa phương hai bên được tổ chức định kỳ, đạt các nội dung hiệu quả, thực chất.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc giao thương qua biên giới tại một số cửa khẩu biên giới và đường qua lại giữa Việt Nam-Trung Quốc xuất hiện hiện tượng ùn tắc hàng hóa, nhưng cũng đã được hai bên đã tích cực phối hợp tháo gỡ. Các bộ, ngành hữu quan tích cực hỗ trợ địa phương trong công tác mở, nâng cấp cửa khẩu, lối thông quan, lối mở/đường qua lại và kết nối giao thông qua biên giới.

 

(6) Tình hình Biển Đông

Trung Quốc tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn về Biển Đông; triển khai toàn diện, đồng bộ các chính sách nhằm nâng cao năng lực quốc phòng, thúc đẩy hoạt động kinh tế biển; khuếch trương “tình hình Biển Đông đang ổn định, đi vào đàm phán COC” để tạo hình ảnh “thiện chí hợp tác”, tích cực tranh thủ lôi kéo các nước ASEAN nhằm phân hóa, chia rẽ, ngăn cản sự can dự của Mỹ và đồng minh vào vấn đề Biển Đông; phản ứng mạnh trước các hoạt động của Mỹ và các nước ở khu vực Biển Đông trên các kênh ngoại giao, pháp lý, tuyên truyền và thực địa.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã đồng bộ triển khai trên các kênh ngoại giao, pháp lý, tuyên truyền và thực địa. Các hoạt động của Việt Nam đã góp phần giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích chính đáng và hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam.

Lãnh đạo các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng đã có nhiều cuộc trao đổi song phương, đa phương, với lãnh đạo các nước về vấn đề Biển Đông, khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; sẵn sàng phối hợp với các nước về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có hợp tác duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Trong thời gian tới, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng nảy sinh vụ việc phức tạp, tác động không nhỏ tới tình hình tư tưởng của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Tiếp tục tuyên truyền khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc; duy trì cục diện quan hệ với Trung Quốc; thực hiện nghiêm túc “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” và tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai Đảng, Chính phủ hai nước đã đạt được.

Hai là, về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc: Tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia; tăng cường thông tin chính thống để người dân Việt Nam ở nước ngoài và nước ngoài hiểu đầy đủ, chính xác, khách quan về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về vấn đề biên giới, lãnh thổ

Ba là, về tình hình Biển Đông: (i) Tiếp tục quán triệt mục tiêu, yêu cầu: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển; (ii) Tuyên truyền, động viên để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh thông tin tích cực, giới thiệu những tấm gương điển hình trong phát triển bền vững kinh tế biển của các ngành, địa phương; (iii) Kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên quan đến công tác đối ngoại, vấn đề Biển Đông, biên giới lãnh thổ. Tiếp tục tập trung tuyên truyền tới đông đảo người dân (nhất là ở khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư, liên doanh, liên kết với nước ngoài, vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào có đạo...) cảnh giác trước những thông tin sai sự thật, kích động tư tưởng “bài Hoa”, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuyên bố của các nước ASEAN về việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á

Ngày 08/8/2020, nhân dịp Kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ bảo đảm thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và duy trì đà tiến triển trong xây dựng Cộng đồng ASEAN sau 2025. Trong đó có một số nội dung chủ yếu sau:

(1) Nhấn mạnh cam kết duy trì Đông Nam Á là khu vực hoà bình, an ninh, trung lập và ổn định và tăng cường các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế.

(2) Tái khẳng định ASEAN cần duy trì đoàn kết, gắn kết và tự cường trong thúc đẩy các mục tiêu, nguyên tắc và lợi ích chung được nêu trong Hiến chương ASEAN.

(3) Tái khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của việc bảo đảm các mục tiêu và nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cũng như trong Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập và Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) về các Nguyên tắc quan hệ cùng có lợi.

(4) Kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

(5) Kêu gọi tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia thông qua tiếp tục đối thoại, hợp tác cùng có lợi và các biện pháp xây dựng lòng tin thiết thực nhằm kiến tạo một môi trường hòa bình, thuận lợi cho tăng trưởng bền vững.

(6) Cam kết tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và khuyến khích các đối tác của ASEAN tham gia đóng góp xây dựng thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), góp phần vào củng cố lòng tin và tin cậy lẫn nhau, cũng như xây dựng một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dung nạp và dựa trên luật lệ.

(7) Tái khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc nêu trong Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và khuyến khích các đối tác hợp tác cùng ASEAN để thúc đẩy Tài liệu AOIP và tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên nêu trong Tài liệu nhằm thúc đẩy lòng tin, tôn trọng và lợi ích chung thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

(8) Tái khẳng định cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương dựa trên nền tảng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời đề cao cách tiếp cận đa phương trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên và tích cực tham gia định hình một cấu trúc đa phương hiệu quả hơn dựa trên luật lệ, có khả năng giải quyết được các vấn đề cấp bách của khu vực và toàn cầu.

Với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam dành ưu tiên cao đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, phối hợp hành động hiệu quả trong ASEAN cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác để nâng cao năng lực tự cường và khả năng ứng phó hữu hiệu của ASEAN trước các thách thức chưa từng có, đó là dịch bệnh Covid-19 và những chuyển động, cạnh tranh mạnh mẽ, sâu sắc của môi trường địa chiến lược toàn cầu và khu vực, trong đó đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Việt Nam sẽ cùng các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục thúc đẩy thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, định hướng phát triển của Cộng đồng ASEAN sau 2025, nâng cao vị thế và phát huy vai trò của ASEAN đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của khu vực và thế giới. 


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.723
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.507
Năm 2024 : 512.853