A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh trong những năm qua

Nhiệm kỳ 2013-2020, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đột phá để hoàn thành và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Liên minh HTX tỉnh lần thứ IV đề ra, góp phần đưa kinh tế tập thể (KTTT), HTX phát triển nhanh, bền vững; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân.

Nhiệm kỳ vừa qua, toàn tỉnh có 673 HTX được thành lập và đi vào hoạt động; trong đó, giai đoạn 2013-2020 đã thành lập mới 499 HTX, bình quân mỗi năm thành lập mới 71 HTX. Trong tổng số 673 HTX hiện có được chia ra theo từng loại hình hoạt động cụ thể như: Trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ có 373 HTX, chiếm 55,4%; lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có 59 HTX, chiếm 8,77%; thương mại dịch vụ có 90 HTX, chiếm 13,4 %; vận tải có 54 HTX chiếm 8,02 %; hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có 86 HTX, chiếm 12,8% và 10 Quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 1,49 %. Ngoài ra, khu vực kinh tế tập thể còn có trên 21.000 thành viên là các hộ gia đình tham gia hoạt động của trên 1.400 tổ hợp tác trong toàn tỉnh.

Với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, 07 năm qua, đã có 109 HTX sản xuất, chế biến với 133 sản phẩm hàng hóa được đưa ra thị trường tiêu thụ; tập trung chủ yếu là các sản phẩm hàng hóa được chế biến từ nông-lâm nghiệp và chăn nuôi; nhiều HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa như: Cam Sành, mật ong, chè, tinh bột nghệ... Có trên 500 HTX đang chuyển dần theo hướng cung cấp các dịch vụ đầu vào cho sản xuất đến các hộ thành viên như: Cung cấp nguyên vật liệu, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất, đồng thời thu mua sản phẩm, nguyên liệu của các hộ thành viên để chế biến các sản phẩm hàng hóa. Có hơn 40 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp; lợi ích mang lại cho thành viên HTX là chi phí đầu vào thấp hơn, chất lượng sản phẩm cao, giá bán cao, thu nhập của thành viên ngày càng được tăng lên. Số HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị có xu hướng tăng; các ngành và địa phương chỉ đạo, hỗ trợ các HTX thành lập mới và cơ cấu lại các HTX nông nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... theo mô hình chuỗi giá trị.

Doanh thu bình quân trong khu vực KTTT, HTX tăng dần qua các năm: Năm 2015 doanh thu bình quân đạt 1.179 triệu đồng/HTX, đến năm 2019 doanh thu bình quân đã tăng lên trên 1.750 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong khu vực HTX năm 2015 đạt 29 triệu đồng/năm, đến năm 2019 thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX tăng lên trên 42 triệu đồng/người/năm. Số HTX được xếp loại khá, giỏi chiếm 35%; số HTX xếp loại trung bình 40%; số còn lại hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, không có lãi chủ yếu tập trung vào các HTX nông nghiệp chuyển đổi, thành viên tham gia HTX không có vốn góp, năng lực và trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng được với xu hướng phát triển hiện nay, thiếu năng động và tự chủ nên hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) và phong trào thi đua “Hà Giang-Chung sức xây dựng Nông thôn mới”, các HTX đã củng cố bộ máy, xây dựng phương án sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, các HTX đã tham gia trực tiếp, hoặc gián tiếp từ 09 đến 11 tiêu chí như: Xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ nhân dân và phòng, chống tệ nạn xã hội... Hoạt động của các HTX góp phần quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT, HTX phát triển còn chậm so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỷ lệ đóng góp GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn HTX quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính và quản trị yếu, phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực trong tỉnh, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, khả năng huy động nguồn lực và áp dụng công nghệ cao còn hạn chế; tổ hợp tác hoạt động chưa ổn định. Sự liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa HTX, tổ hợp tác với các loại hình kinh tế khác còn hạn chế..

Nhiệm kỳ 2020-2025, Liên minh HTX tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển KTTT, HTX nhanh và bền vững cả về số lượng, chất lượng; ứng dụng nhanh và hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ cho khu vực KTTT, trong đó trọng tâm là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và các xã xây dựng NTM, gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; không ngừng phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển KTTT, HTX nhanh và hiệu quả; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác ở các ngành nghề, lĩnh vực, tầng lớp nhân dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương; sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, cải thiện môi trường và phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT...


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 60
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 60
Năm 2024 : 505.406