A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số kết quả nổi bật về thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.

Qua đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân 4,5%/năm; lâm nghiệp tăng bình quân 10,4%/năm; thủy sản tăng bình quân 4,16%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 là 13.466,155 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp là 11.806,618 tỷ đồng, lâm nghiệp là 1.552,867 tỷ đồng, thủy sản là 106,67 tỷ đồng; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, hướng mạnh sang phát triển chăn nuôi hàng hóa, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 31,3% trong cơ cấu nông nghiệp. Giá trị thu hoạch bình quân/ha đất canh tác hằng năm đạt 50 triệu đồng; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86%.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển nông nghiệp, như đã kịp thời ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020, xác định được các cây, con thế mạnh của tỉnh để sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, có chứng nhận chỉ dẫn vị trí địa lý và gắn tem truy xuất hàng hóa.

Lĩnh vực trồng trọt được quan tâm từ khâu quy hoạch, giống, ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất với nhiều phương thức đa dạng nhằm giúp nông dân giảm chi phí, khắc phục tình trạng thiếu lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Kết quả năm 2020, sản lượng lương thực đạt 414.619 tấn, tăng 49,9% so với năm 2008. Trong đó, sản lượng lúa là 215.663,7 tấn, tăng 29% so với năm 2008; sản lượng ngô 198.644,7 tấn, tăng 23,1% so với năm 2008. Bình quân lương thực đầu người năm 2020 đạt 475 kg/người, tăng 97 kg so với năm 2008. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Hà Giang được công nhận 02 sản phẩm OCOP chè Shan Tuyết (Trà xanh và Hồng trà huyện Hoàng Su Phì) đạt tiêu chuẩn 05 sao theo Quyết định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đặc biệt, tại cuộc thi trà quốc tế năm 2019 tổ chức tại Pháp, tỉnh có 03 sản phẩm từ cây Trà Shan Tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh đạt giải cao nhất, gồm: Giải ấn tượng thế giới trao cho sản phẩm Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh; giải vàng thế giới trao cho Hồng trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh; giải bạc trao cho Hồng trà Shan tuyết cổ thụ 01 búp Tây Côn Lĩnh. Đây là điều kiện thuận lợi để đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập của người dân.

Trong giai đoạn 2008-2020, hoạt động chăn nuôi luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng sản phẩm tốt, được thị trường ưa chuộng. Tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách, bước đầu đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Về phương thức, có sự dịch chuyển mạnh từ quy mô nhỏ, hộ gia đình, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi quy mô sản xuất hàng hóa, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Đến nay tỷ trọng chăn nuôi chiếm 31,3% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; tổng đàn trâu, bò là 285,972 con (tăng 47,7% so với năm 2008); toàn tỉnh có 153 trang trại qui mô nuôi từ 30-300 vật nuôi trở nên. Trong đó, Bò Vàng của 04 huyện vùng cao phía Bắc đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ trong 07 sản phẩm Chỉ dẫn địa lý của tỉnh Hà Giang.

Về lâm nghiệp: Trồng rừng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Tổng diện tích trồng rừng mới giai đoạn 2016-2020 là 38.353,6ha. Cùng với đó các chính sách bảo vệ, phát triển rừng được các cấp quan tâm thực hiện tốt.

Đối với việc phát triển hạ tầng thủy lợi, cấp nước sinh hoạt phục vụ sản xuất, cư dân nông thôn: Tỉnh đã ban hành kế hoạch để cụ thể hóa, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó đã chú trọng vào việc củng cố, tăng cường quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt đầu tư tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2014-2016; thực hiện nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đảm bảo diện tích lúa 02 vụ được tưới đầy đủ. Đến nay, có 980 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn, 754 công trình có các Tổ quản lý vận hành, chiếm 76,9%. Số công trình cấp nước nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh có 122.228 công trình; số người sử dụng nước sạch 563.322 người, chiếm 69% số nông thôn toàn tỉnh…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó tập trung đổi mới giống cây trồng, vật nuôi, phương thức sản xuất, cơ giới hóa, liên kết sản xuất...; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, phục vụ sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai các giải pháp phát triển thủy lợi tiên tiến, đem lại hiệu quả kinh tế cao...

Trang Hoàng


Thống kê truy cập
Hôm nay : 13
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 13
Năm 2024 : 505.359